Thư viện cấp huyện, xã: Khó khăn chồng khó khăn

Mới đây, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức hội thảo “Thư viện cấp huyện, cấp xã ở Việt Nam - Thực trạng hoạt động và mô hình quản lý”. Với sự tham gia của đại diện các thư viện trong cả nước, một lần nữa những câu chuyện của ngành thư viện đã được phân tích, đánh giá nhằm phát triển hệ thống thư viện này ở các địa phương.

Phát triển nhưng chưa đáng kể

Theo báo cáo tổng kết hoạt động thư viện cấp huyện và cấp xã ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016 thì trong những năm qua số lượng thư viện công cộng cấp huyện có sự phát triển. Trong 6 năm từ 2010 đến nay đã có thêm 38 thư viện cấp huyện được thành lập. Bên cạnh đó, so với thư viện cấp huyện, trong giai đoạn này thư viện cấp xã có sự phát triển vào năm 2011, 2013 nhưng sau đó liên tục có sự giảm sút về số lượng. Đến năm 2016, có sự phát triển nhưng không đáng kể. Tỉnh có nhiều thư viện xã nhất là Phú Thọ, có 277 thư viện xã, còn lại bình quân các tỉnh thành có khoảng 20 thư viện xã. Cũng với các thư viện cấp xã, tại một số địa phương đã hình thành các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trên địa bàn xã. Hiện nay cả nước có khoảng 60 thư viện tư nhân. Nhưng thực tế, các thư viện này chưa được quan tâm đến việc đăng ký hoạt động nên việc nắm bắt và quản lý các thư viện này mới chỉ thực hiện ở mức độ nhất định.




Thư viện lưu động đến với đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VHTTDL, mặc dù các thư viện đã có nhiều đổi mới và triển khai nhiều nội dung khác nhau nhưng hiệu quả còn chưa cao. Các thư viện cấp huyện, cấp xã nhìn chung chưa thu hút được đông đảo người dân đến sử dụng. Các nhu cầu của người dân chưa được đáp ứng, môi trường đọc tại một số thư viện chưa thật sự đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng, luôn thay đổi với cộng đồng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - nơi mà trình độ dân trí còn thấp.

Sách phục vụ cho người dân tộc thiểu số, người khiếm thị chưa được quan tâm xuất bản nên việc đảm bảo cho người dân tộc thiểu số được sử dụng thư viện bằng ngôn ngữ dân tộc mình, người khiếm thị có nhiều sách để đọc tại thư viện còn hạn chế. Việc phục vụ tại nhà thông qua hình thức thư viện lưu động hoặc qua Bưu điện đối với người cao tuổi, người tàn tật, mặc dù đã được nêu ra trong Pháp lệnh Thư viện từ năm 2000, nhưng đến nay chưa thực hiện được vì chưa có văn bản quy định cụ thể về việc gửi miễn phí các bưu kiện của thư viện qua bưu điện.




Sách báo đến với trẻ em vùng cao.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Ngà, về mô hình quản lý các thư viện cấp huyện, cấp xã tuy đã được trang bị máy tính nhưng chủ yếu vẫn vận hành theo mô hình thư viện truyền thống, mô hình quản lý thư viện hiện đại đã manh nha hình thành nhưng chưa hoàn thiện. Số lượng tài liệu điện tử có trong các thư viện cấp huyện và cấp xã còn quá ít ỏi. Mặc dù mô hình thư viện cấp huyện trực thuộc UBND là mô hình tối ưu nhưng không thể áp dụng thống nhất vì điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Bài toán kinh phí

Có thể kể ra vô vàn những khó khăn, bất cập của hệ thống thư viện cấp huyện, xã. Tuy nhiên, vấn đề cần tháo gỡ vẫn là bài toán kinh tế.

Hiện ở nhiều địa phương, trụ sở thư viện cấp xã còn ghép chung, chỉ rất ít thư viện cấp xã được cấp kinh phí từ chính quyền, cán bộ kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động thư viện chưa cao, thời gian mở cửa phục vụ không ổn định. Bên cạnh đó, cán bộ thường xuyên thay đổi do chuyển công tác, nhận nhiệm vụ khác hoặc nghỉ việc do chế độ tiền lương quá thấp.

Đơn cử đến một thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, mạng lưới thư viện quận huyện hiện nay chưa được quan tâm đúng vị trí vốn có của nó. Bà Nguyễn Thị Như Trang, Thư viện KHTH TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hệ thống thư viện quận, huyện tại TP. Hồ Chí Minh chưa được quan tâm xứng tầm. Ngoài một số thư viện hoạt động khá tốt thì nhiều thư viện hoạt động cầm chừng. Chỉ có 9/24 thư viện có trụ sở riêng (trong đó 8 trụ sở là nhà cấp 4); 15/24 thư viện chỉ là 1 phòng đọc nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa không đủ các phòng chức năng của một thư viện cấp huyện. Trung bình mỗi thư viện có 2 nhân sự, nhưng có 9 thư viện chỉ có 1 người đảm nhiệm. Số lượng sách phân bổ về các thư viện vẫn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.




Đồng bào dân tộc thiểu số mong muốn được đọc sách theo ngôn ngữ của dân tộc mình tại thư viện.

Ông Chu Long Hiển, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Chỉ 2/8 thư viện cấp huyện ở Vĩnh Phúc được cấp kinh phí hoạt động riêng. Ngoài ra, tiền đầu tư được nằm chung trong tổng nguồn cấp cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, không có danh mục riêng, vì thế, nhiều thư viện huyện gần như bị chính lãnh đạo bỏ quên do ưu tiên các hoạt động bề nổi”.

Nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế này là do đầu tư cho thư viện cấp huyện và cấp xã còn quá thấp so với yêu cầu thực tế. Nhận thức của các cấp chính quyền tại các địa phương về thư viện còn chưa đúng mức.

Thêm vào đó, năng lực, tính chuyên nghiệp và tâm huyết của nhân viên thư viện cấp huyện và cấp xã còn hạn chế, chế độ đãi ngộ dành cho người làm công tác thư viện còn nhiều bất cập. Bởi vậy, nhiều đại biểu tại Hội nghị cho rằng, kinh nghiệm cho thấy, ở địa phương nào, các cấp lãnh đạo quan tâm đến công tác thư viện, ở đó hệ thống thực viện mới thực sự phát triển và hoạt động đạt được hiệu quả thiết thực. Thiết nghĩ, đó cũng là vấn đề để các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm để hệ thống thư viện cấp huyện, xã phát huy được giá trị.


Tùng Linh

Nguồn: langvietonline.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thu-vien-cap-huyen-xa-kho-khan-chong-kho-khan-a10834.html