Một đời với chú Tễu

Không có truyền thống hoạt động nghệ thuật rối nước, không được đào tạo chuyên nghiệp, nhưng bằng sự đam mê, tình yêu dành cho những con rối “biết nói”, hơn 20 năm nay ông vẫn nặng lòng với những con rồi, như mang trong mình phận nghiệp đậm hồn văn hóa dân tộc vậy.



Nghệ nhân Oánh đang chế tác rối

Một đời với đam mê

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đẹp đẽ, yên bình Hà Tây (cũ), ông Phùng Quang Oánh (46 tuổi) nhiều năm lang bạt khắp chốn mưu sinh bởi trost yêu và đam mê những… con rối nước. Thế là, gần 20 năm trời, cùng hàng ngàn con rối đẹp mê hồn do chính mình tạo ra, ông lang bạt khắp nơi từ Bắc tới Nam để mưu sinh. Càng đặc biệt hơn nữa, dù cuộc sống thường nhật vất vả, phải ở trọ trong những căn nhà chật hẹp nhưng ông luôn dành một góc quan trọng cho những con rối nước này.

Căn phòng trọ của ông Oánh nằm cuối con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát. Ít ai biết rằng góc phòng tuềnh toàng che chắn bằng mái tôn vừa là nơi ở của cả gia đình vừa là gian làm việc, nơi ông Oánh ngày đêm làm nên những nhân vật rối nước đa dạng, độc đáo.

Ông kể: “Lúc đó ở quê tôi có phường rối nước Bình Phú, nổi tiếng nhất vùng nhưng khá xa nhà nên lũ trẻ chúng tôi nhiều khi muốn đến cũng không đến được. Chỉ những dịp lễ hội chùa Thầy, chùa Tây Phương... những phường rối nước biểu diễn, chúng tôi mới được theo cha mẹ đi xem. Khi vừa học năm nhất, ông xin làm thêm trong một xưởng điêu khắc của những phường rối nước trên địa bàn Hà Nội, công việc của ông là làm các nhân vật trong những trò diễn. Càng yêu thích, ông càng say mê công việc. Nhiều hôm thức suốt đêm để làm, dù mệt mỏi nhưng khi con rối hoàn thành ông rất vui sướng và hài lòng với thành quả của mình.

Ông Oánh nhìn chúng tôi rồi kể tiếp: “Với những thợ mới, làm rối nước hay làm điêu khắc cũng không khác nhau nhiều, đều phải hoàn thiện những sản phẩm từ gỗ cả. Sau mấy năm làm với thầy, không biết nghề khắc rối đã ăn vào máu mình lúc nào không hay. Từ đó, mình tiếp tục theo làm cùng một nghệ nhân làm rối nước ở bên Đông Anh (Hà Nội) rồi ra làm riêng.

Với nhiều người, nói đến nghệ thuật múa rối nước, người ta nghĩ ngay tới những người đầm mình trong nước điều khiển những chú rối, những vở diễn sinh động đằng sau tấm màn mỏng ở trong nước. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để tạo ra những con rối đó cũng là một loại hình nghệ thuật độc đáo và rất đặc sắc mà rất ít người có thể làm được. Theo ông Oánh, người nghệ nhân tạo hình con rối thì đây là một nghề điêu khắc. “Tất cả các con rối của tôi đều được làm bằng gỗ sung, một loại gỗ nhẹ, bền, dẻo và nổi trên mặt nước. Từ nguyên liệu gỗ tự nhiên, mình phải dựa vào đó để làm ra hình thù rối nước mà không có bất kỳ khuôn mẫu sẵn nào. Nó khác với điêu khắc đóng bàn, ghế, giường tủ hay chạm trổ ở chỗ đó. Ở con rối, mình phải dựa theo từng kịch bản vở diễn, các câu chuyện dân gian hay yêu cầu của chính đoàn diễn mà tạo hình theo. Ngày nay, hầu hết các đoàn diễn chỉ đưa kịch bản để mình từ nghiên cứu làm ra những con rối sao cho phù hợp, sinh động và đẹp nhất chứ không có khuôn mẫu nào cả”, ông cho biết.

Quá trình làm một con rối từ công đoạn xẻ gỗ, tạo hình đầu, thân, tay, trang trí hoàn chỉnh đều được làm thủ công và thường kéo dài khoảng 3 ngày, hoặc nhiều hơn nếu có nhiều chi tiết phức tạp. Theo ông Oánh, tất cả mọi công đoạn đều phải cẩn trọng, không được mất tập trung ở bất cứ khâu nào, nếu không có thể phải bỏ và làm lại từ đầu. 

Ông cho biết yêu cầu đặc biệt trong tạo hình rối nước là con rối phải nổi và cử động linh hoạt theo ý người điều khiển. Để làm được như vậy, các phần cơ thể của con rối phải được tạo hình độc lập, sau đó gắp kết lại với nhau thật khéo léo. Cuối cùng là khâu trang trí rối. Để con rối có trang phục phù hợp với bối cảnh, ông phải tìm hiểu rõ về đặc trưng văn hóa trang phục mỗi vùng miền, dân tộc.
 


Những con rối đẹp tinh tế

Nỗi niềm khó tỏ

Căn phòng trọ nhỏ bé ở đường Huỳnh Tấn Phát với vô vàn những con rối giăng kín khắp nơi. Ông kể, sau nhiều hồi lận đận cùng con rối, ông quyết định bôn ba vào Nam sinh sống lập nghiệp. Nhưng nếu điêu khắc gỗ có nhiều đất sống thì điêu khắc rối còn rất ít người quan tâm. Chỉ có tình yêu với những con rối là dày thêm, còn cuộc sống thì vẫn vậy, nhọc nhằn giữa đất khách quê người. Lang thang qua hết phòng trọ này tới phòng trọ khác”.

Hiện nay, sau khoảng 25 năm đam mê cùng nghệ thuật rối nước, chính bản thân ông Oánh cũng thừa nhận một thực tế khá buồn là dù tình yêu con rối không mất đi nhưng ông không thể sống được bằng con rối. “Ở nhà tôi chỗ nào cũng là rối nước. Suốt ngày tôi cứ đục đẽo, tô chát, bôi màu… nhưng thu nhập từ con rối không nhiều. Nói trần trụi hơn, là chưa đủ để mưu sinh. Vì các vở diễn cũng không quá phong phú, chỉ phục vụ một nhóm nhỏ người dân và trên hết, những con rối gỗ này rất lâu hư. Có khi cả năm đoàn múa rối họ mới thay con rối nên mình có làm ra nhiều cũng không biết để đâu.

Nghĩ cách để múa rối nước đến gần hơn với thị hiếu người dân Nam bộ, ông Oánh ngày đêm tích cực tìm hiểu về văn hóa, lối sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Ông đã phục chế thành công một số vở như: “Công chúa Nêaky” (tái hiện văn hóa người Chăm), hay rất nhiều con rối mang đặc tính văn hóa vùng miền của khu vực nam bộ đã được ông làm ra và biểu diễn ở khắp mọi nơi. 

Bà Đinh Thị Toàn (46 tuổi, vợ ông Oánh) tâm sự, vợ chồng bà có 3 người con trai. Tuy các con đều được ông dạy làm rối từ bé, nay đều có thể phụ giúp cha làm việc, nhưng không ai nối nghề cha vì kinh tế gia đình khá eo hẹp. Bà Toàn vì thấu hiểu niềm đam mê của chồng nên luôn tích cực ủng hộ ông. Hàng ngày bà làm việc trong khu chế xuất Tân Thuận, về đến nhà thấy chồng đang cặm cụi với công việc, bà cũng xắn áo tất bật làm cùng.

Nhìn người nghệ nhân quê Hà Tây đang miệt mài với hàng trăm chú rối còn đang dang dở cùng hàng ngàn chú rối sinh động, đẹp đẽ khác mà chúng tôi bất giác thở dài. Dương như, đam mê vì nghệ thuật luôn phải trả giá bằng những nhọc nhằn mưu sinh của đời thực vậy. Ông bảo, ông không sợ khó, không sợ khổ, điều mong ước của tôi là làm sao góp phần lưu giữ bản sắc dân tộc, để những nét văn hóa đặc sắc không bị mai một dần. 
 
Đại Dương - Minh Ngọc

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mot-doi-voi-chu-teu-a10829.html