Lăng vua Tự Đức
Thương phận Tài nhân đơn chiếc chốn kinh kỳ
Hậu cung ba ngàn giai lệ là chủ đề muôn thủa của các nhà văn cũng như các nhà làm phim về các triều đại phong kiến đã từng tồn tại trong lịch sử của loài người. Vào thời nhà Nguyễn, tước vị Tài nhân là bậc thứ 9 trong các bậc cung giai, gọi là Cửu giai Tài nhân, đây là bậc thấp nhất và cơ bản nhất của một tần phi thời Nguyễn. Dưới chế độ nhà Nguyễn, cũng như các quan có cửu phẩm, thì các bà cũng có cửu giai: Nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tân, tứ giai tân, ngũ giai tiếp dư, lục giai tiếp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân, cửu giai tài nhân. Từ tiếp dư trở lên thì được gọi bằng bà, từ quý nhân trở xuống thì chỉ gọi bằng chị. Dưới tài nhân là tài nhân vị nhập giai, nghĩa là những người đang chờ đợi được tuyển làm tài nhân, xuống dưới nữa là cung nga thế nữ, tức là kẻ hầu người hạ, được gọi chung một tiếng là cung nhân.
Ta thường nghe câu nói: Đưa con vào nội, câu ấy có nghĩa là vĩnh viễn không còn bao giờ trở về thăm nhà nữa. Ta thấy rằng như vậy chế độ của triều Nguyễn còn khắc nghiệt hơn cả Trung Quốc. Hậu cung triều Nguyễn và những câu chuyện thâm cung bí sử hầu như không được sử sách ghi chép nhưng lại được biết qua những câu chuyện truyền miệng của các nhân vật đã từng sống cùng thời điểm hoặc sống trong hậu cung.
Ở Huế từng truyền tụng câu ca dao:
Ngọ Môn năm cửa chín lầu,
Một lầu vàng tám lầu xanh,
Ba cửa thẳng hai cửa quanh,
Sinh em ra làm phận gái,
Chớ nên hỏi chốn kinh thành mà làm chi...
Đã mang thân phận nữ nhi thì không nên biết đến chốn kinh thành, hay chính xác hơn là không nên vì vinh hoa phú quý, quyền cao chức trọng mà như những con thiêu thân lao vào hậu cung của các bậc đế vương để đổi lấy một cuộc sống lắm tai ương, bất trắc. Bước vào hoàng cung là những thiếu nữ thanh xuân, tuổi trẻ, thiện lương còn bỡ ngỡ trước cuộc đời. Tuy nhiên, cuộc sống đầy âm mưu thủ đoạn của chốn cung cấm đã biến những thiếu nữ thanh thuần trở thành những người lắm mưu, nhiều kế, tay dính máu tanh. Thậm chí là một cuộc sống cô đơn, buồn bã, đánh mất cả tuổi thanh xuân vì không được ân sủng của nhà vua.
Cung phi của các vị vua triều Nguyễn hầu hết đều là con gái của các vị quan trong triều đình. Sự hậu thuẫn của gia tộc cũng chính là một trong những nguyên nhân để các bà trong cung Nguyễn nhận được sự sủng ái của các bậc đế vương. Những cuộc hôn nhân này cũng chính là sự cân bằng quyền lực giữa các thế lực trong triều, nhằm ổn định tình hình chính trị của quốc gia. Cho dù mục đích phía sau của những cuộc hôn nhân này là gì thì hầu hết những cô gái này đã đánh đổi tuổi thanh xuân và nước mắt của họ để đổi lấy một cuộc sống hoặc là quyền cao chức trọng, mẫu bằng tử quý, hoặc là cô đơn, phòng không gối chiếc cho đến cuối cuộc đời. Những người con gái một khi đã bước chân vào cung cấm thì chỉ có đi mà không thể trở lại. Cả cuộc đời, cả số phận, dù hạnh phúc hay bất hạnh, dù quyền cao chức trọng hay cô đơn chiếc bóng, ảo não u buồn... tất cả chỉ phụ thuộc vào một người duy nhất: Hoàng đế!
Cũng bởi ước mong được một ngày dựa mạn thuyền rồng, mà những bi kịch, những tiếc nuối và cả những ai oán của các nữ nhân chốn hậu cung vẫn cứ mãi tiếp diễn. Có những người được vua sủng ái thì hưởng tột đỉnh vinh quang, hạnh phúc nhưng cũng có những người mang nỗi buồn cô đơn, không thể than thở cùng ai. Những phi tần dù được nhà vua sủng hạnh hay chưa được sủng hạnh, nhưng khi vua băng hà cũng phải theo nhà vua đến nơi an nghỉ cuối cùng để phụng thờ hương khói cho đến cuối cuộc đời.
Ở Huế còn có câu thành ngữ “đưa con vô Nội” để chỉ thân phận của các cô gái chốn cung cấm, một khi đã bước vào cung thì không mong ngày trở ra. Đưa con vô Nội lâu ngày đã trở thành một câu nói cửa miệng của người Huế khi nói đến một sự việc có đi mà không có lại, cũng giống như đưa con vô Nội là không mong có ngày gặp lại. Có một số cung phi chỉ thực sự bước chân ra khỏi cung cấm sau khi triều Nguyễn cáo chung và sống lặng lẽ cho đến cuối cuộc đời. Một số sau khi ra khỏi cung tuy vẫn là gái tân nhưng tuổi trẻ và thời thanh xuân thì đã gởi lại trong Tử Cấm Thành.
Nhà Nguyễn cũng đặt ra các quy định chăm sóc sức khỏe cho các cung nữ. Khi đau yếu, bệnh tật, họ phải ra khỏi hoàng cung để dưỡng bệnh tại Bình An Đường. Hiện nay, trong hệ thống kiến trúc triều Nguyễn có hai nhà Bình An Đường, một ở bên ngoài, góc Đông Bắc Hoàng Thành (đường Đặng Thái Thân) và một ở bên ngoài lăng Tự Đức, gần cửa Vụ Khiêm. Hai nhà Bình An Đường này là nơi dưỡng bệnh (nếu bệnh nhẹ) và chờ chết (nếu bệnh nặng) của các Thái giám và cung nữ chốn hậu cung thời kỳ nhà Nguyễn. Bình An Đường bên ngoài Hoàng Thành đã được trùng tu vào năm 2003 nhưng Bình An Đường của Lăng Tự Đức hiện chỉ còn dấu vết của la thành và một cổng vào còn khắc dòng chữ Bình An Đường Môn.
Phía sau khuôn viên Bình An Đường Lăng Tự Đức, hiện vẫn còn 15 ngôi mộ của các bà vợ vua Tự Đức với nhà bia và la thành bao quanh, dân địa phương gọi đây là khu lăng mộ 15 Liếp (hay mộ các bà). Khu lăng mộ này hầu như bị bỏ hoang, hương khói của khu lăng mộ đều do người dân chung quanh phúng viếng, thỉnh thoảng cũng có thân nhân và người trong hoàng tộc Nguyễn đến thăm viếng. Trong 15 ngôi mộ ở tại đây, chỉ có 2 ngôi mộ là được thân nhân đến tu sửa, bảo dưỡng. Đến đời Tự Đức thì nhà vua thể chất yếu nhược, không có khả năng sinh con nối dõi và cũng đến thời điểm này sự truyền thừa theo dòng trưởng (con người vợ chính) của triều Nguyễn xem như chấm dứt. Hương tàn, khói lạnh là thực trạng của khu lăng mộ các bà theo phụng thờ hương khói khi vua Tự Đức băng hà. Sống thì phòng không gối chiếc, chết lại mồ hoang cỏ lạnh là số phận của không ít nữ nhân chốn hậu cung thời nhà Nguyễn.
Và bà Cửu giai tài nhân họ Lê vừa được phát hiện huyệt mộ để làm bãi đậu xe, là một trong số ấy. Với cuộc đời buồn bã, cô đơn chốn kinh thành. Và bây giờ, sau nhiều năm được chôn cất, cái tên Cửu giai tài nhân họ Lê lại một lần nữa được xướng lên, nhưng là giữa những ồn ào không đáng có.
Bia mộ vị Tài nhân
Thác đi vẫn chẳng được yên phần
Một sự đáng tiếc, phải nói là rất đáng tiếc khi bãi đỗ xe được dựng lên để người dân tham quan lăng vua Tự Đức, tức người chồng của vị Cửu gia này, lại nằm đúng nơi an nghỉ của bà. Thôi thì phận nữ nhi, có lẽ dưới suối vàng bà Cửu giai cũng sẽ cam nốt phần còn lại của mình, ấy là giành tất cả cho chồng. Người lúc sống đã là chủ thiên hạ, lúc thác đi cũng còn lại tiếng tăm muôn phần.
Chỉ buồn một nỗi, ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có một số thông tin đến báo chí về vụ việc mộ của vợ vua triều Nguyễn. Ông ấy cho rằng, tấm bia và dấu tích mộ tìm thấy không có giá trị mỹ thuật, kiến trúc tiêu biểu, không phải là nhân vật lịch sử… Còn ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thì chia sẻ, với cá nhân ông rất tiếc và rất trăn trở về câu chuyện của khu lăng bà Tài nhân. Tuy vậy, vấn đề bây giờ phải ứng xử với các khu lăng mộ thế nào, bởi lẽ không phải chỉ có khu lăng mộ của bà Tài nhân mà còn rất nhiều khu lăng khác của hoàng gia và quan lại nhà Nguyễn. Nhưng dù làm gì thì cần phải có sự tôn trọng. “Không ai mong muốn nhà mình phải ra đi, không ai mong muốn mồ mả tổ tiên bị di dời. Nếu biết đó là mồ mả thì không ai dám đặc biệt là người Huế. Ông nào người Huế biết đó là mồ mả mà thì không dám động chạm vì vấn đề tâm linh, nhạy cảm”, ông Dung cho hay. Thế nhưng, chính quyền vẫn quyết di dời ngôi mộ, để làm bãi đỗ xe.
Trở lại với ý kiến rất tâm huyết của PGS.TS Đỗ Bang – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế, ông Bang rất tâm trạng bộc bạch rằng ngôi mộ ấy mặc dù chưa được công nhận di tích nhưng xét về mặt lịch sử thì nó cũng là một bộ phận của di tích, có giá trị lịch sử, và đặc biệt là gắn với tổng thể của di tích lăng vu Tự Đức, cũng như các di tích lịch sử triều Nguyễn tại Huế.
Theo như kế hoạch, khu lăng mộ của bà Tài nhân sẽ được di dời đến gần vị trí của lăng bà Học Phi (một người vợ khác của vua Tự Đức) cách đó gần 200m. Hiện tại khu lăng của bà Học Phi cũng đã bị đơn vị thi công làm ảnh hưởng đến sát mép tường thành. Một ngôi mộ được xây ở một vị trí mới thì chỉ phục vụ được việc tâm linh, thờ cúng còn giá trị về mặt vị trí, về mặt lịch sử sẽ không còn. Chắc nhiều người sẽ hiểu được điều đó.
Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã gửi văn bản đến cơ quan chức năng bày tỏ mong muốn được xây dựng ngôi mộ tạm cho bà Cửu giai Tài nhân họ Lê. Tuy nhiên, chính quyền lại không cho phép con cháu trong dòng tộc xây dựng mộ tạm bằng xi măng. Trước hoàn cảnh này con cháu Nguyễn Phước tộc đành xếp gạch, đổ cát để làm mộ tạm và đào hào tránh nước mưa để bảo vệ mộ bà vợ vua Tự Đức. Buồn thương cho một phận tài nhân, lúc sống đã chịu nhiều hẩm hiu, lúc thác cũng nhận lấy lắm thiệt thòi.
(*) Trong bài viết có sử dụng tư liệu của nhiều nhà nghiên cứu về nhà Nguyễn.
Minh Ngọc