Tiết Nghĩa Từ - nơi lưu giữ giá trị lịch sử

Tiết Nghĩa Từ, tức đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc - danh nhân lịch sử triều Lê, một trung thần tiết nghĩa của Đại Việt ta ở thế kỷ XVI, nay thuộc xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.



Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn đốc.

Sinh thành trong thế gia vọng tộc, có cha là tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung (đỗ tiến sĩ năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 - 1469 đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Lại), Nguyễn Mẫn Đốc đã sớm phát huy được truyền thống thi thư, lễ nghĩa. Trong khoa thi năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu 3, đời vua Lê Chiêu Tông - 1518, Nguyễn Mẫn Đốc đã đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập Đệ nhị danh (Bảng nhãn). Các sách Đăng khoa lục ghi ông đỗ năm 21 tuổi. Trùng thuyên bi ký, một trong ba tấm bia khoa bảng dựng năm 1793 đặt ở Văn chỉ làng Dòng cũng cho biết ông đoạt được học vị Bảng nhãn năm 21 tuổi.

Theo chính sử, vào năm 1527, Mạc Đăng Dung đã tiếm ngôi nhà Lê. Những năm đó, trước những biến cố triều chính, Lê Chiêu Tông phải tạm rời kinh thành Thăng Long vào Thanh Hoa (nay là tỉnh Thanh Hóa) lánh nạn. Tại đây, Vua Lê Chiêu Tông đã thảo tờ mật chiếu kêu gọi các bậc đại thần, công khanh phò tá giúp triều đình. Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc cùng thầy dạy học là Trạng nguyên Vũ Duệ và nhiều đại thần trung thành với Vua Lê Chiêu Tông quyết tâm ứng nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng ngàn nghĩa binh được chiêu mộ, đã cùng nhau vào Thanh Hoa. Vua tôi gặp nhau ở Lạc Thổ (nay thuộc Nho Quan, Ninh Bình). Mạc Đăng Dung biết tin đã cử tướng lĩnh đem binh mã vào tiến đánh và xảy ra trận giao chiến lớn ở Cẩm Thủy. sau đó, thầy trò ông mũ áo cân đai chỉnh tề cùng đến bái yết tại lăng mộ nhà Lê ở Lam Sơn rồi cắt tay tuẫn tiết. Hành động tuẫn tiết của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc đã thể hiện rõ lòng “trung quân, ái quốc” của một vị đại khoa, đại thần triều Lê. Ông được triều đình nhà Lê, Nguyễn nhiều lần ban sắc phong và truy phong Tiết Nghĩa Đại Vương - thụy Nhã Lượng, thượng đẳng phúc thần. Con cháu ông được “lót” chữ “Trung” từ đó; cũng từ đó ngành thứ ba của dòng họ Tam Sơn, con cháu cụ quan bảng có thêm hai chữ “Tiết Nghĩa”.  Các triều vua nối tiếp nhau đều có sắc phong cho Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, tất cả là 10 đạo, bản gốc hiện vẫn còn được cất giữ tại đền thờ ông. Ông được phong Thành hoàng làng Xuân Lũng, Thượng đẳng phúc thần, một nhân thần bên cạnh thiên thần Thành hoàng Cao Sơn Đại Vương.

Để tri ân lòng trung thành, yêu nước của  Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, triều đình đã cho quan khâm sai về chỉ đạo xây đền thờ. Đến nay, đền thờ  vẫn còn giữ nguyên được hình dáng ban đầu. Đền thờ Bảng nhãn nằm trong khuân viên rộng chừng hơn 200m2, bao quanh là tường đá ong vững chãi. Hai ngôi nhà thượng đường và hạ đường thiết kế theo kiểu chữ nhị nhìn về hướng Tây Nam. Tọa lạc ở giữa, một bên là từ đường họ Màu, họ Vũ, một bên là từ đường làng Dòng họ Mã Nội. Trong đền thờ quan bảng vẫn giữ được bức đại tự “Tiết Nghĩa Từ” và đôi câu đối do triều đình tặng. Trước đây, theo định lệ, 1 năm 2 lần triều đình về tổ chức tế lễ, nghi thức này được diễn ra trước Cách mạng Tháng Tám. Tuy nhiên, hàng năm vào ngày giỗ 22-2 âm lịch toàn thể con cháu trong họ tổ chức lễ tại đền thờ Bảng nhãn, có mời tổng, xã về dự, truyền thống này được duy trì cho tới tận bây giờ.




Tiết Nghĩa Từ còn lưu trữ 10 đạo Sắc phong của các triều Lê Trung Hưng và triều Nguyễn.

Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc được xây dựng có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn đối với nhân dân làng Dòng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đền thờ là nơi căn cứ cách mạng, là điểm bàn bạc chiến lược bí mật của các cán bộ cách mạng, là nơi trú ẩn của con em làng Dòng. Tới thời kỳ chống đế quốc Mỹ, nơi đây trở thành trụ sở hợp tác xã nông nghiệp xã Xuân Lũng, là hậu phương vững chắc tiếp tế lương thực cho chiến trường miền Nam, góp phần vào chiến thắng chống xâm lược của đất nước. Chiến tranh kết thúc, đền thờ trở thành nơi ôn lại truyền thống tốt đẹp của dòng họ Tam Sơn, là nơi thế hệ trước giáo dục cho con cháu hiểu và tự hào về nguồn gốc sinh thành qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm phấn đấu học hành thành tài của con cháu trong dòng họ.  

Năm 2015, đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia đã mang về niềm tự hào cho nhân dân làng Dòng cũng như cho dòng họ. Ông Nguyễn Trung Mộc -  Trưởng ban gia tộc dòng họ Tam Sơn - Tiết Nghĩa đời thứ 16 chia sẻ: “Được sinh ra là con cháu dòng họ Tam Sơn đó là niềm tự hào, vinh dự và may mắn của mỗi người con trong họ. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dòng họ, quê hương, mỗi chúng tôi đều tự ý thức cố gắng sống mẫu mực, bảo ban con cháu thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, đến ngày giỗ Bảng nhãn, con em trong họ đều hào hứng tham gia để tưởng nhớ công ơn cũng như để nhắc nhở chính mình và con cháu rèn luyện, học tập cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của ông cha”.

Nằm trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” với truyền thống hiếu học Làng Dòng, với những giá trị lịch sử, văn hóa đã được lưu giữ, đền thờ quan Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc là một trong những di tích tô đẹp thêm cho quê hương Đất Tổ.


Lệ Oanh

Nguồn: Phú Thọ Online

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tiet-nghia-tu-noi-luu-giu-gia-tri-lich-su-a10762.html