Bức Bình phong thờ vọng Công chúa Huyền Trân đang xuống cấp nghiêm trọng trong rú cấm Nam Ô
Theo dấu vết Công chúa Huyền Trân
Tìm về làng chài Nam Ô vào một buổi chiều cuối tháng, dưới cái nắng như đổ lửa, trước mắt chúng tôi là một khu rừng già nằm trên những tảng đá lớn, xuôi ra phía biển, nhìn góc này như con chim phụng hoàng, góc kia thì như con rùa triệu năm tuổi, người dân trong làng gọi đó là “rú cấm” Nam Ô. Men theo ghềnh đá ở mép rừng phủ đầy rêu phong của sóng biển, chúng tôi đi tìm lại dấu tích cũ thờ vọng Công chúa Huyền Trân của người dân nơi đây bằng con đường độc đạo duy nhất dẫn vào “rừng cấm”, con đường nhỏ hẹp, được trải nhựa bằng những lớp lá khô của của cây dây leo, cổ thụ lâu năm rơi xuống không biết bao mùa thay lá.
Nhìn khung cảnh hoang sơ, cây cối um tùm, con đường dẫn vào được 10m lại chia ra hai nhánh nhỏ, một hướng ra biển, hướng còn lại đi tiếp vào rừng già, thêm vào đó tiếng ve sầu gọi bạn râm ran tưởng chừng như mê cung. Với cái nắng khô ráp da thịt ngoài trời là vậy, nhưng vào đây một cảm giác mát lạnh đến nổi da gà cũng đủ để ta cảm nhận được vẻ nguyên sơ của khu rừng cấm nguyên sinh này.
Theo nhiều bậc cao niên trong làng Nam Ô kể lại, trước đây khu rừng này là nơi trú ẩn cuối cùng của Huyền Trân Công chúa trong cuộc đào thoát khỏi vương quốc Chiêm Thành để lên thuyền lớn để trở Đại Việt vào đầu thế kỷ XIV. Dã sử làng Nam Ô có viết, Huyền Trân Công chúa về làm vợ vua Chiêm Thành hơn một năm thì vua chết, lo sợ Huyền Trân Công chúa sẽ phải hỏa thiêu theo chồng bởi tập tục người của Chiêm Thành. Vua Trần Anh Tông mới sai nhập nội hành khiển Thượng thu tả bộc Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Vân cùng quân lính vào kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành (tức tỉnh Bình Định ngày nay) để giải cứu Công chúa Huyền Trân.
Quan quân nhà Trần khi đến Đồ Bàn thì vào viếng vua Chế Mân và nói với người Chiêm Thành rằng, ra bờ biển làm đàn cho Huyền Trân Công chúa bái vọng quê hương, rồi sau đó lên giàn hỏa thiêu cũng chưa muộn. Khi ra đến bờ biển, lính quân nhà Trần đưa Huyền Trân Công chúa lên thuyền trốn khỏi Đồ Bàn. Vua Chiêm Thành thấy Hoàng hậu của mình bị cướp, cho quân tướng đuổi theo để giành lại Công chúa Huyền Trân, nhiều cuộc giao tranh đã xảy ra trên đường. Khi đến vùng Nam Ô, một viên tùy tướng và nhiều binh lính đã ở lại chặn đường quân Chiêm Thành để Huyền Trân Công chúa lên thuyền trở về Đại Việt.
Tưởng nhớ công ơn của Huyền Trân công chúa giành lại hai châu Ô, Lý cho nước Đại Việt, tại nơi trú ẩn này, người làng Nam Ô đã dựng lên một ngôi miếu thờ vọng Công chúa Huyền Trân.
Ông Đặng Văn Hùng bậc cao niên trong làng cho biết: “Trước đây, khi tôi còn nhỏ đã nghe ông bà kể lại khu rừng này là nơi trú ngụ của Huyền Trân công chúa thoát khỏi vương quốc Chiêm Thành trở về Đại Việt, tưởng nhớ công ơn của Bà người dân trong làng đã xây miếu thờ vọng. Nhưng do thời gian, ngôi miếu ngày trở thành phế tích, không còn ai lui tới để hương khói và bỏ mặc cho thời gian”.
Tận mắt chúng tôi chứng kiến ngôi miếu trong khu rừng cấm, do các cụ trong làng kể lại không còn nữa, chỉ còn một bức bình phong được xây theo hình cuốn thư của dân gian, nhưng chỉ còn một phần hai không nguyên vẹn như trước, bình phong được che chắn bằng những tán lá cây cổ thụ lâu năm tỏa xuống, trên đó có đắp nổi hình Long Mã khảm sành sứ, bây giờ nứt nẻ, chỉ còn lại dấu tích cũ thành phế tích nằm “chờ chết” trong khu rừng già. Thấy một di tích quý giá, mang tầm lịch sử của đất nước, đang xuống cấp nghiêm trọng như vậy trong lòng chúng tôi không khỏi chạnh lòng tiếc nuối.
Hình tượng Long Mã khảm sành sứ trên bức bình phong
Con đường nhỏ dẫn vào khu rừng
Khởi tích “rừng cấm” Nam Ô
Rời khu rừng già với những bức hình về tấm bình phong nứt nẻ trong lòng khu rừng, tâm thức chúng tôi đặt ra một câu hỏi vì sao người dân nơi đây gọi khu rừng này là “rú cấm”, phải chăng nó có một ẩn tích huyền bí, mang màu sắc của cả rừng thiêng lẫn biển cả, như chính vị trí địa lý đặc biệt của nó hay chăng?
Để trả lời cho những câu hỏi, chúng tôi đã tìm đến Nhà nghiên cứu Đặng Dùng người được xem là “cuốn từ điển sống” của làng Nam Ô. Ông cho biết: “Khu rừng này mọc trên một mỏm đá cao, nên người xưa gọi là Núi Cu Đê, đó là một tên gọi của khu rừng, được gọi theo tên làng cổ và cũng là dòng sông chảy qua khu vực. Một tên gọi khác là núi Hoa Ổ theo tên làng ở đây, nhưng sau phải gọi chệch thành Hóa Ổ¬ để tránh “phạm” vào tên Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị. Thời trị vị của các vị vua triều Nguyễn, những con ve ở khu rừng cấm này dùng làm món ăn tiến vua, ve non được người dân bắt và cung tiến cho đầu bếp cung đình làm thành món “chá thiền tử” (nghĩa là con ve non) cho vua ngự thiện, trong sách Đại Nam nhất thống chí ghi rõ”.
Theo người làng Nam Ô, sở dĩ gọi là “rú cấm” bởi theo phong tục thì người dân bị cấm chặt cây, dẫu là một cành củi nhỏ trong khu rừng này. Không ai biết quy định này có từ khi nào, nhiều đời nay quy định đó được tuân thủ nghiêm ngặt, đến tận bây giờ vẫn vậy. Chỉ duy nhất một việc được sử dụng gỗ trong khu rừng này, dùng gỗ vào việc cải tạo, xây dựng đình miếu trong làng. Có nhiều chuyện kể về các vị lão làng đã đột tử, sau khi cho phép chặt cây trong rú cấm. Từng có những nhóm người vào rừng chặt cây, thế rồi, không lâu sau đó đều gặp nạn. Chính vì thế đến nay khu rừng này vẫn còn giữ được những cây lớn, một điều hiếm thấy ở những khu rừng sát khu dân cư như ở đây.
Ghềnh Nam Ô nhìn từ phía biển
Một lô cốt còn sót lại phía rìa ghềnh Nam Ô
Một ghềnh đá với nhiều sự tích mang tính lịch sử dân tộc, điểm đến du lịch hấp dẫn là vậy, nhưng hiện nay làng Nam Ô rất ít người biết đến, một phần cũng vì vị trí địa lí của làng cách biệt với cuộc sống nhộn nhịp ngoài xã hội, mặt khác thiếu sự quan tâm của các sở, ban, ngành quảng bá để khách tham quan biết tới.
Thiết nghĩ, chính quyền chức năng sở tại cần có biện pháp khắc phục lại di tích miếu vọng Công chúa Huyền Trân, đầu tư, quảng bá vẻ đẹp hoang sơ của ghềnh Nam Ô tới du khách trong và ngoài nước biết tới, đưa làng Nam Ô trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích lịch sử, đam mê khám phá vẻ hoang sơ, kỳ bí vốn có của ghềnh đá này.
Đình Sinh