Vương triều nhà Nguyễn được thành lập vào năm Nhâm Tuất 1802, và sụp đổ vào năm Ất Dậu 1945, trong 143 năm tồn tại, vương triều nhà Nguyễn truyền nối được tất cả 13 đời vua, trong đó vua Tự Đức là vị vua tại vị lâu năm nhất với thời gian trị vì là 36 năm.
Chân dung thông dụng vua Tự Đức.
Trên thực tế thì vào năm Quý Mùi 1883, nhà Nguyễn đã phải ký hiệp ước Hác – măng (Harmand) chấp nhận để cho thực dân Pháp đặt thống trị toàn bộ lãnh thổ nước ta, thì các vị vua triều nhà Nguyễn từ đó về sau chỉ là bù nhìn. Vương triều nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, mặc dù bị mất nước vào tay thực dân Pháp, nhưng triều Nguyễn cũng có đóng góp nhiều cho sự phát triển của lịch sử dân tộc. Trong 13 đời vua nhà Nguyễn, vua Tự Đức là vị vua trị vì lâu năm nhất.
Vua Tự Đức sinh ngày 22/9/1829, và mất ngày 19/7/1883, ông là con thứ của vua Thiệu Trị (1807 - 1847), tên thật là Nguyễn Phúc Thì, húy là Hồng Nhậm, thân mẫu là bà Từ Dũ Phạm Thị Hằng. Ông là một người hiếu học, giỏi chữ nghĩa, thông minh, có thái độ trân trọng nhân tài, được vua cha rất yêu quý. Vì vậy mà vua Thiệu Trị có ý truyền ngôi cho ông, ông thường được vua cha gọi vào chầu riêng để dạy bảo.
Năm Đinh Mùi 1847, vua Thiệu Trị mất, ông được lập lên kế vị, lấy niên hiệu là Tự Đức, lúc bấy giờ Tự Đức tròn 18 tuổi. Người con trưởng của vua Thiệu Trị tên là Hồng Bảo, định tranh chấp ngôi vua với Tự Đức, nhưng cuối cùng thất bại và bị giết chết.
Thời kỳ Tự Đức làm vua, đất nước và quốc gia lâm vào tình thế nghiêm trọng mà hậu quả đường lối của các triều vua trước như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị để lại. Để đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long đã phải nhờ sự trợ giúp đáng kể của người Pháp. Nhưng khi vua Gia Long thống nhất được đất nước lại chọn mô hình quốc gia quân chủ theo ý thức hệ Nho giáo, điều này đã làm thất vọng nhiều người Pháp. Và đặc biệt là đến đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị với các chủ trương đóng của về kinh tế, cấm đạo Thiên chúa… điều này đã tạo cớ cho các sỹ quan hải quân Pháp tăng cường xâm nhập bằng quân sự vào nước ta.
Tình hình trong nước dưới thời vua Tự Đức, nhân dân ta đói kém, một loạt các cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Trong khi đó các đám quân sỹ người Hoa tan rã từ thất bịa của phong trào Thái Bình Thiên Quốc (cuộc khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn lãnh đạo năm Tân Hợi 1851) tràn vào nước ta, tạo nên các toán thở phỉ, đạo quân Cờ Đen, Cờ Vàng làm cho đời sống chính trị xã hội của nước ta thời bấy giờ càng trở nên phức tạp.
Trước những vấn nạn của quốc gia, vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn đối phó bằng những chính sách tuy linh hoạt nhưng chỉ có tác dụng nhất thời, có khi mang tính thiển cận, để lại tác hại lâu dài về chính trị và điều đó tạo điều kiện cho thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta vào năm Mậu Ngọ 1858.
Thực dân Pháp lần lượt chiếm ba tỉnh miền đông Nam Kỳ năm Nhâm Tuất 1862, sau đó đến năm 1867 thì sáu tỉnh Nam Kỳ của nước ta đã hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp. Vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn đã dùng chính sách chủ hòa, nhưng càng nhân nhượng thì lại càng bị thực dân Pháp lấn tới. Cuối cùng triều đình nhà Nguyễn đã phải ký nhiều hòa ước với thực dân Pháp.
Năm Quý Mùi 1883, triều đình nhà Nguyễn phải ký hòa ước với thực dân Pháp, cũng trong năm đó, vào ngày 19/7 vua Tự Đức mất, hưởng thọ 54 tuổi. Sau khi mất, vua Tự Đức được đặt miếu hiệu là Dực Tông.
Ngay từ khi đang còn sống vua Tự Đức thường xuyên đau ốm, và ông đã cho xây dựng lăng mộ của mình từ năm 1867, và lang đã xây xong nhung vua Tự Đức chưa chết, tuy nhiên lăng đó vẫn được gọi là lăng vua Tự Đức. Lăng được xây dựng cách kinh thành Huế khoảng 8km, giữa một rừng thông cùng nhiều cây cao bóng cả khác. Cả khu vực lăng được vây quanh bằng một vùng la thành đoạn thẳng, đoạn gấp khúc, tạo nên một hình đa giác, mở bốn cửa.
Hiện nay ra vào lăng thường qua cửa Vụ Khiêm ở mặt bên, mặt chính có hai cửa (cửa Tự Khiêm và cửa Thượng Khiêm) cách nhau một quãng ngắn được nối liền bằng một bình phong. Lăng vua Tự Đức cũng được chia làm hai khu vực, đó là nơi thờ cúng và nơi đặt phần mộ. Ở đây có một sự phá cách theo hướng bố cục tự do, nhưng vẫn tuân thủ chặt chẽ tư tưởng chủ đạo trong ý đồ xây dựng lăng tẩm của các bậc đế vương và vẫn cố gắng đáp ứng một cách đầy đủ những chuẩn mực tối ưu của thuật phong thủy.
Lăng Tự Đức được xây xong thì nhà vua vẫn còn sống, vì vậy nhà vua cũng thường xuyên ra lăng để nghỉ ngơi và giải trí như đọc sách ngâm thơ, vì vậy mà trong lăng còn được xây dựng thêm nhiều công trình kiến trúc rất đẹp, như cung điện, lầu gác, đình tạ, cầu quán, hồ sen, vườn cảnh v.v… phối trí hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, tạo nên nhiều vẻ thay đổi kỳ thú. Lúc đầu lăng Tự Đức còn có tên gọi là Khiêm Cung, sau đó mới đổi làm Khiêm Lăng. Tên của 50 công trình lớn nhỏ trong lăng đều có chữ Khiêm nhằm biểu đạt ý nguyện “Khiêm nhượng” của vua Tự Đức.
Trong đời mình, vua Tự Đức cũng trước tác rất nhiều với nhiều thể loại khác nhau, về thơ có Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập gồm 10 quyển; Tự Đức thành chế thi văn tập. Về học thuật có Luận ngữ thích nghĩa ca, Tự huấn lục v.v… Thơ văn của vua Tự Đức cũng bao gồm đủ các thể loại truyền thông như thơ, phú, ca, từ, truyện. Vua Tự Đức sáng tác nhiều bằng chữ Hán, nhưng nhà vua cũng thích làm thơ Nôm, hai tập thơ Nôm: Luận ngữ diễn ca và Thập điều diễn ca thiên về khuynh hướng răn dạy đạo lý Nho giáo.
Vương triều nhà Nguyễn truyền nối 13 đời vua, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên chỉ có bảy vị vua được xây dựng lăng tẩm, tất cả bảy lăng tẩm đều còn lại đến ngày nay, với các lối kiến trúc độc đáo riêng. Và trong bảy lăng tẩm đó thì lăng vua Tự Đức được coi là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất của thời nhà Nguyễn.
Vương Quốc Hoa