05/07/2017 10:28
05/07/2017 10:28
Huyền bí 500 ngôi mộ cổ ở núi A Man: Lần theo vết xưa
500 ngôi mộ cổ chứa đựng nhiều bí ẩn cần được giải mã bằng khảo cổ học để khẳng định các giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần làm sáng tỏ tiến trình lịch sử Phú Yên.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (tập 3, trang 66) có đề cập rằng: “So với các tỉnh khác, Phú Yên có phong tục và cách thức chôn cất người chết, làm mộ xây vôi, hơi khác (với những nơi khác)…”.
Ven dòng sông Cái, phía hữu ngạn, nơi có Dinh Trấn Biên (thủ phủ của tổng Phú Yên từ 1629 đến 1832) có nhiều ngôi mộ cổ bề thế mang đậm dấu ấn văn hóa Việt xứ Đàng Trong. Đặc biệt tại triền phía Nam núi A Man (thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An) có một di tích khảo cổ độc đáo, đó là 500 ngôi mộ cổ chứa đựng nhiều bí ẩn cần được giải mã bằng khảo cổ học để khẳng định các giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần làm sáng tỏ tiến trình lịch sử Phú Yên. Ngoài yếu tố văn hóa, lịch sử và tâm linh, 500 ngôi mộ cổ này với những vẻ đẹp bí ẩn, độc đáo còn là điểm đến hấp dẫn của du khách để tận mắt chiêm ngưỡng văn minh mai táng của tiền nhân, một dạng công viên nghĩa trang của tiền nhân ở những thế kỷ trước.
Khu mộ cổ với 500 ngôi mộ này đều được xây dựng bằng đá và vôi, sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương. 500 ngôi mộ cổ có bốn dạng: loại hình yên ngựa (kiều ngựa), loại hình mai rùa, loại hình mái nhà, loại hình búp sen; trong đó loại hình yên ngựa chiếm đa số. Tất cả các ngôi mộ đều gối đầu về hướng Tây và Tây Bắc (đỉnh núi), chân mộ hướng về phía Đông và Đông Nam (chân núi). Trên trụ biểu nhiều ngôi mộ có một số vết tích nét khắc chữ Hán, nhưng hầu hết nét chữ bị bào mòn, không nhận biết được. Tất cả các bia mộ đều bị đục phá hoặc bào mòn, không để cho thế hệ sau biết danh tính những người dưới mộ. Nhiều ngôi mộ có trụ biểu, trên đó có những hoa văn trang trí tinh xảo thể hiện hình tượng tứ bình, tùng hạc, mặt trời, mây mác, hoa sen, dây lá… Đã có nhiều ý kiến khác nhau trong cộng đồng dân cư và các nhà nghiên cứu về 500 ngôi mộ cổ này. Có người cho rằng đó là khu mộ cổ của bà con người Chăm, có người nói rằng đó là khu mộ cổ của bà con người Hoa…
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng, 500 ngôi mộ này không có một yếu tố nào thuộc về văn hóa mộ táng của người Chăm và người Hoa, mà hoàn toàn là văn hóa mộ táng của người Việt, dù rất độc đáo vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa thuần Việt từ phong thủy dân gian trong mai táng, đến hoa văn trang trí, cách thức bài trí, cách thức lập mộ… 500 ngôi mộ cổ có 4 kiểu dáng nhưng đều có hình dáng khác nhau, không ngôi mộ nào giống ngôi mộ nào, quy mô từng ngôi mộ tùy thuộc vào vị trí xã hội của người nằm dưới mộ lúc sinh thời…
Hoa văn trang trí mang đậm dấu ấn đặc trưng của những tấm bia thời chúa Nguyễn, có ảnh hưởng triết lý Phật giáo giống như bia mộ Hòa Thượng Liễu Quán ở Huế (mô típ dây lá, hoa sen…). Ngoài thủ pháp chạm sâu trên nền sa thạch, hệ thống mô típ (motif) trang trí trên những tấm bia tạo dấu ấn đặc trưng thời các chúa Nguyễn, thể hiện sự ảnh hưởng đậm nét của triết lý Phật giáo.
Loại mô hình yên ngựa tạo điểm nhấn tạo hình, phản ánh quá trình giao lưu, giao thoa và tiếp biên văn hóa giữa người Việt và bà con người Hoa trong phong trào phản Thanh phục Minh, được chúa Nguyễn cho tị nạn định cư ở xứ Đàng Trong, trong đó có Phú Yên.
Ứớc đoán những ngôi mộ này được xây dựng cuối thế kỷ XVIII.
Tìm hiểu về lịch sử hơn 400 năm của Phú Yên và xa hơn nữa, chúng tôi cho rằng, những ngôi mộ này được xây dựng cuối thế kỷ XVIII, bởi có cùng cách thức xây dựng với một số ngôi mộ cổ ở Phú Yên của các dòng họ đã được xác định chính xác niên đại. Chúng tôi cảm giác rằng, những người nằm dưới 500 ngôi mộ cổ thuộc lực lượng của chúa Nguyễn Ánh trong những trận chiến khốc liệt với nhà Tây Sơn từ năm 1793-1801.
Sau khi vua Quang Trung băng hà (1792), chúa Nguyễn Ánh tận dụng thời cơ, cử danh tướng Tôn Thất Hội đem đại quân đánh chiếm Phú Yên. Tháng 3/1794, vua Cảnh Thịnh (nối nghiệp vua Quang Trung) cử Thái úy Nguyễn Văn Hưng chỉ huy 4 vạn quân đánh lấy lại Phú Yên và hợp quân với danh tướng Trần Quang Diệu đánh thành Diên Khánh. Chỉ 2 tháng sau (5/1794), chúa Nguyễn Ánh huy động lực lượng hùng mạnh chiếm đóng cửa biển Xuân Đài và chiếm giữ Phú Yên.
6 tháng sau (tháng 11/1794), quân Tây Sơn do Tổng quản Trần Quang Diệu và Tư lệ Lê Trung chỉ huy đã quét sạch quân chúa Nguyễn ở Phú Yên và truy kích đến thành Diên Khánh.
3 năm sau, tháng 3/1797, chúa Nguyễn Ánh huy động đại binh đánh Phú Yên và Quy Nhơn. Tháng 5/1799, chúa Nguyễn Ánh cử danh tướng Nguyễn Văn Thành đem quân chiếm Phú Yên và tháng 7/1799 chiếm được thành Quy Nhơn, đổi tên là thành Bình Định.
Đầu năm 1800, hai danh tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đánh lấy lại thành Bình Định. Hàng tướng Phạm Văn Điềm (tướng cũ Tây Sơn) đem Phú Yên về với Tây Sơn, đặt Phú Yên trong thế tử chiến chống lại quân Nguyễn Ánh.
PV
Nguồn: baodulich.net.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huyen-bi-500-ngoi-mo-co-o-nui-a-man-lan-theo-vet-xua-a10671.html