03/07/2017 16:20
03/07/2017 16:20
Mênh mang sông nước Cà Mau
Cà Mau là vùng đất cực Nam Tổ quốc. Khi nói đến Cà Mau người ta thường tưởng tượng đến một miền sông nước, biển, rừng mênh mang với những sản vật độc đáo.
Theo tư liệu, địa danh Cà Mau được hình thành do người Khơmer gọi tên vùng đất này là “Tưk Kha-mau”, có nghĩa là nước đen - do lá tràm của rừng U Minh bạt ngàn rụng xuống phân hủy làm thay đổi màu nước.
Có một điều khá đặc biệt là các sông rạch của Cà Mau lại không nằm trong hệ thống tự nhiên của sông Cửu Long như phần lớn các tỉnh ở Tây Nam Bộ. Nó được nối, thông với sông Hậu bởi những con kênh do người Pháp đào ở thế kỷ trước như kinh Cái Côn - Phụng Hiệp, kinh Quản Lộ, Cái Lớn - Trèm Trẹm, Bạc Liêu - Cà Mau.
Dù là vùng đất khai phá sau cùng ở phương Nam, nhưng thường các sông rạch ở Cà Mau đều có giai thoại, sự tích về nguồn gốc xuất xứ của tên gọi:
Sông Ông Đốc - trong sách “Gia Định Thành thông chí” có tên là Khoa Giang. Sông đổ ra vịnh Thái Lan (biển Tây), hai bên có nhiều rạch phụ, nhiều xóm làng phì nhiêu, sung túc. Tương truyền, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông và tùy tùng, gia quyến chạy vào xóm Cái Tàu ẩn nấp. Vài tháng sau, Nguyễn Ánh theo con sông này định ra hòn Thổ Chu rồi sang Xiêm cầu viện. Nhưng khi đoàn thuyền đi được một lúc thì bị quân Tây Sơn phát hiện đuổi theo. Đô Đốc Thủy binh Nguyễn Văn Vàng khoác hoàng bào giả Nguyễn Vương để đánh lạc hướng và bị quân Tây Sơn giết chết. Nguyễn Ánh nhờ đó mà chạy thoát qua ngả khác. Do chuyện kể trên mà sông Khoa Giang còn được gọi là sông Ông Đốc hay sông Đốc. Hiện nay, thị trấn Sông Đốc là một trong những cảng cá lớn, nhộn nhịp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Sông Đốc cũng là một điểm tập kết ra Bắc của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (20-7-1954). Tại đây, hơn 60 năm về trước (26-11-1954) đã chứng kiến cuộc chia ly cảm động của những người thân tiễn chồng, cha, con, em mình đi tập kết trên con tàu Kilinxki của Ba Lan. Hơn hai mươi năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), có một số người đã trở về sum họp với người thân, nhưng cũng không ít những người ra đi ngày ấy đã không bao giờ trở lại. Vàm sông Ông Đốc trở thành biểu tượng nhiều cảm xúc trong lòng người Nam Bộ.
Bình minh trên sông Cửa Lớn.
Sông Bảy Háp - là một con sông khá lớn. Theo nhà nghiên cứu dân gian Huỳnh Minh thì chữ Háp bắt nguồn từ cách đếm và tính bội số theo: phân, chỉ, lượng, cân, yến, tạ, đàm, háp… “Bảy Háp” có trọng lượng quy đổi là khoảng 42.000kg.
Sông Bảy Háp nước chảy nhẹ, có nhiều con rạch trên đồng đổ xuống nên có rất nhiều tôm cá. Chuyện xưa kể lại, ở đầu thế kỷ trước, có một gia đình lão ngư dân chuyên nghề “hạ bạc”(nghề chài lưới). Ông chỉ có hai miệng đáy đóng ở vàm Giá Ngựa (huyện lỵ Đầm Dơi ngày nay). Năm ấy (1909), hai miệng đáy của ông trúng đậm, phơi làm tôm khô được “7 háp”, một kỷ lục chưa từng có. Chỉ với phương tiện đánh bắt thô sơ từ nguồn tôm cá trong tự nhiên thì đây quả là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Sông Bảy Háp có xuất xứ tên gọi từ giai thoại trên!
Sông Cửa Lớn - tên chữ là Đại Môn Giang. Đây là con sông có dòng chảy độc đáo, bắt nguồn từ biển Tây chảy ra biển Đông; dài khoảng 58 km, rộng 600 m và sâu 12m. Con sông này đầu bên biển Đông là cửa Bồ Đề, còn đầu bên biển Tây là cửa Ông Trang, gần mũi Cà Mau. Đại Môn Giang chia cắt khu vực cuối bán đảo Cà Mau thành như một đảo. Hai bên sông Cửa Lớn là những cánh rừng đước bạt ngàn. Lưu vực sông Cửa Lớn rất dồi dào thủy hải sản…
Sông Trẹm còn gọi là sông Tràm Trẹm, Trèm Trẹm, dài khoảng 36 km, bắt nguồn từ sông Cái Lớn đổ vào sông Ông Đốc. Sông Trẹm chảy qua huyện An Minh (Kiên Giang) và huyện Thới Bình (Cà Mau). Sông Trẹm không rộng lắm, là ranh giới tự nhiên của vùng thượng và hạ U Minh.
Sau khi len lỏi trong rừng, bên dòng sông Trẹm dài hút mắt, đầy lá dừa nước, bèo dại và lục bình, ngắm nhìn những dải lau sậy ngút ngàn, điểm xuyến những chùm hoa mua tím thơ mộng… du khách có thể thưởng thức những món ăn đồng quê dân dã và cách chế biến thức ăn độc đáo từ những sản vật của rừng U Minh như: Cá lóc nướng trui, rắn nướng lèo, cá rô kho trái giác, đọt choại luộc chấm mắm, khô cá sặc rằn…
Đến Cà Mau, đi trên những con sông dài xa tít tắp, còn nhuốm chút màu hoang sơ, bí ẩn, sẽ đọng lại trong lòng du khách nhiều cảm xúc khó quên, và bất chợt giây phút nào đó lại bâng khuâng nhớ về quá khứ xa xưa, thuở tiền nhân ta đi khai mở đất phương Nam.
Hoàng Thám
Nguồn: Đắk Lắk Online
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/menh-mang-song-nuoc-ca-mau-a10652.html