01/07/2017 16:02
01/07/2017 16:02
Gốm Champa cổ ở Bình Ðịnh: Nhiều bí mật thú vị chờ giải mã
Năm 1990, lần đầu tiên, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản tiến hành khai quật khu vực Gò Sành (thôn Phụ Quang, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn). Kết quả nhiều lần khai quật trong những năm sau đó, cùng các kết quả nghiên cứu đã khẳng định: Bình Định ngày nay là nơi từng xuất hiện các trung tâm chuyên sản xuất gốm men của người Chăm cổ.
Chiếc chóe lớn men nâu này là một trong rất hiếm những chiếc chóe gốm Chăm cổ lành lặn và đẹp nhất đã được tìm thấy từ trước tới nay ở Bình Định.
Từ lâu, gốm cổ Bình Định và sự lan tỏa của nó trong khu vực Đông Nam Á, được giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài quan tâm. Trong gần 30 năm qua, gốm cổ Bình Định, gốm Chăm Bình Định, gốm cổ Gò Sành... được các nhà khoa học đề cập tại nhiều diễn đàn học thuật khác nhau. Mới đây, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và tỉnh ta đã lên kế hoạch tổ chức hội thảo quốc tế chuyên đề về gốm Chăm (10.2017).
Cho đến nay, về lò gốm Chăm cổ, các nhà khoa học đã xác định ở khu vực tỉnh Bình Định có 6 khu lò. Trong đó 3 khu lò đã được tỉnh tiến hành khai quật, gồm: Gò Sành (4 lần khai quật, trong đó có 3 lần hợp tác Việt - Nhật); Gò Hời (hợp tác với Bảo tàng Hoàng gia Bỉ), Trường Cửu (hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Sau mỗi cuộc khai quật, các nhà khoa học thu về rất nhiều hiện vật, đưa Bình Định lên vị trí là nơi có bộ sưu tập gốm Chăm cổ lớn nhất cả nước.
Tháng 6.2017, những người khai thác cát xây dựng gần khu vực lò Cây Me (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn), đã phát hiện một số tiêu bản gốm Chăm. Đó là những chiếc hũ nhỏ, chóe, âu; trong đó đáng chú ý nhất là chiếc chóe lớn. Chóe cao 47 cm, chu vi thân 97cm, men nâu đặc trưng, cổ cao eo thắt, miệng bẻ loe, vành miệng vê tròn đều, vai xuôi, quanh thân trang trí 6 mảng hoa văn hình xoắn nổi, chính giữa là hình hoa cúc. Hoa văn có 3 mảng lớn và 3 mảng nhỏ, hoa văn thuộc dạng in khuôn. Đây là một trong những chiếc chóe lành lặn và đẹp nhất đã được tìm thấy từ trước tới nay.
Một chiếc âu gốm Chăm cổ tuyệt đẹp vừa được phát hiện tại khu vực lò Cây Me (6.2017).
Điểm quý giá ở chiếc chóe này là nó mang kiểu dáng, màu men và hoa văn trang trí chứng tỏ nó được sản xuất tại khu lò Cây Me. Nói như vậy là vì các nhà khoa học đã phát hiện nhiều khuôn in chạm lộng bằng đất nung có hoa văn tương tự tại lò Cây Me. Bảo tàng Bình Định hiện đang lưu giữ các khuôn in này.
Trong 6 khu lò, lò Cây Me là khu lò sản xuất nhiều loại sản phẩm gốm có kích thước lớn, đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trong khu vực và xa hơn. Tư liệu của các nhà khảo cổ Philippines cho biết, trong số hàng hóa tìm thấy trong con tàu đắm vùng biển Pandanan Philippines, gốm Bình Định (các nhà nghiên cứu gọi là gốm miền Trung Việt Nam) chiếm tới 70%, còn lại là gốm Hải Dương ở miền Bắc Việt Nam và một ít gốm Trung Quốc.
Gốm Chăm cổ còn chứa đựng rất nhiều bí mật thú vị đang chờ chúng ta tiếp cận, giải mã.
Đinh Bá Hòa
Nguồn: Bình Định Online
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gom-champa-co-o-binh-dinh-nhieu-bi-mat-thu-vi-cho-giai-ma-a10638.html