Trong không khí nỗ lực xây dựng nông thôn mới, chính quyền và Nhân dân xã Thới Sơn lại đón niềm vui có thêm một di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh. Với người dân địa phương, Gò Cây Tung là nơi tín ngưỡng linh thiêng. Tuy nhiên, trong con mắt của nhà nghiên cứu, di tích này là dấu ấn rõ nét cho quá trình khai phá, chinh phục vùng đất mới của cư dân tiền sử miền Đông Nam Bộ từ 3.000 năm trước.
Phó Giám đốc Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo Nguyễn Thuận Thảo cho biết: “Di tích được phát hiện và khai quật lần đầu vào năm 1993 và tiếp tục được khai quật vào các năm 1995, 2007, 2008, 2009. Quá trình phân tích, chúng tôi nhận thấy di tích từng là 1 làng cổ với tầng văn hóa ở trung tâm gò. Đến khoảng thế kỷ VII-VIII thì xuất hiện 1 ngôi đền nằm chồng lên tầng văn hóa trước đó. Cuối cùng, khi ngôi đền hoang phế, lớp người sau đã biến toàn bộ phế tích thành khu mộ táng”.
Khu di tích Gò Cây Tung
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện bộ sưu tập hiện vật gồm: Rìu đá, cuốc đá, vòng tay đá, đồ gốm thô… cho thấy cư dân cổ Gò Cây Tung đã có mặt ở đây từ rất sớm, vào khoảng 2.500 năm trước. Họ đã định cư lâu dài tại đây, sử dụng công cụ sản xuất truyền thống đá mới của văn hóa Đồng Nai. Bên cạnh đó, người ta còn phát hiện 23 bộ xương người với nhiều vật dụng tùy táng như: Chuỗi, vòng tay, vòng chuỗi và xương thú… Đặc biệt, kiến trúc Gò Cây Tung có mặt bằng hình chữ nhật, được xây bằng gạch với nhiều kích cỡ, chủng loại khác nhau và mang đặc điểm của thời kỳ văn hóa Óc Eo có niên đại khoảng thế kỷ thứ VII-VIII.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp thông tin: “Nhiều bộ sưu tập hiện vật phong phú và đa dạng về loại hình và chất liệu với không gian, thời gian tồn tại kéo dài từ giai đoạn tiền sử cho tới văn hóa Óc Eo. Với 3 di chỉ tiêu biểu về cư trú, mộ táng và di tích tín ngưỡng tôn giáo mang đậm phong cách đền thờ Hindu giáo thế kỷ VII-IX, Gò Cây Tung là di tích tiêu biểu cho cội nguồn hình thành văn hóa Óc Eo An Giang”.
Gò Cây Tung nằm lẫn khuất dưới bóng mát của 2 cây tung già cỗi. Trong khung cảnh bình yên, Gò Cây Tung hiện lên với hình ảnh hoang phế qua những viên gạch nhuốm màu thời gian. Không biết người xưa đã dùng vật liệu gì để xây lên những công trình độc đáo này, sự tồn tại của chúng là minh chứng cho thời kỳ văn hóa rực rỡ ở vùng đất An Giang. Từ lâu, người dân địa phương đã biến nơi này thành điểm thờ cúng linh thiêng. Họ dựng ngôi miếu nhỏ trên đỉnh gò và chủ động tới lui hương khói quanh năm.
“Về mặt văn hóa, Gò Cây Tung mang giá trị kế thừa và tiếp nối, từ hậu kỳ đá mới cho đến thời kỳ văn hóa Óc Eo phát triển rực rỡ, rồi thời kỳ hoang hóa và cuối cùng là quá trình khai phá của người Việt từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Các chứng tích vật thể quan trọng chỉ rõ đây là thành tựu to lớn của cộng đồng dân cư tại chỗ (vốn có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Bộ) trong quá trình mở mang vùng ĐBSCL” - ông Nguyễn Thuận Thảo cho biết thêm.
Qua các đợt khai quật, điều tra, khảo sát di tích Gò Cây Tung đã mang đến nhiều bằng chứng giá trị về thời tiền - sơ sử ở An Giang và vùng ĐBSCL. Đây còn là di tích khảo cổ học có địa tầng hoàn chỉnh chứa các trầm tích văn hóa tiền sử phong phú. Những cư dân tiền sử An Giang là người đặt nền móng cho sự giao thoa, hội nhập và hình thành nền văn hóa Óc Eo sau này.
“Chúng tôi mong rằng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ Ban quản lý di tích Gò Cây Tung trong công tác quản lý tốt di tích. Đồng thời, Ban Quản lý di tích cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích Gò Cây Tung, tăng cường phổ biến kiến thức về Luât Di sản văn hóa nhằm nâng cao nhận thức người dân địa phương, cùng chung tay bảo vệ di tích khảo cổ ngày càng tốt hơn” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp đề nghị.
Thanh Tiến