28/06/2017 11:39
28/06/2017 11:39
Có một khán giả, vẫn lên sân khấu!
Nghệ sĩ (NS) Thanh Sơn là hậu duệ đời thứ tư của gia tộc Vĩnh Xuân – Bầu Thắng – Minh Tơ, một gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng cổ, cải lương nổi tiếng của miền Nam. Mặc dù cải lương đang trên đường gặp khó nhưng hậu duệ đời thứ tư luôn khắc ghi lời dạy của tổ tiên: cho dù có 1 khán giả, con vẫn phải hát!
NS Thanh Sơn sinh 1962, cha là NS Minh Tơ. Dù không được cha truyền nghề bài bản như người anh ruột là NSND Thanh Tòng do ông bị căn bệnh khớp hành hạ nhưng với lòng đam mê, NS Thanh Sơn vẫn tìm mọi cách để học nghề. Khi đó cha anh nói: “Muốn giỏi phải lăn lóc học nghề. Con ráng giỏi mọi việc thì sau này không ai làm khó con được”. NSND Thanh Tòng thay cha dìu dắt em mình đến năm 1984 thì để em mình tự bơi. Để học được nghề, anh đã chịu khó tìm đến các bậc tiền bối như Bảy Đực (thân phụ nghệ sĩ Trường Sơn), NSND Thành Tôn, nghệ nhân tuồng cổ Sáu Há... Đam mê nghề, chịu khó học hỏi cùng với tư chất thông minh của con “nhà nòi” đã giúp NS Thanh Sơn khẳng định được chỗ đứng trong nghệ thuật cải lương tuồng cổ.
Ấn tượng mà NS Thanh Sơn nhớ mãi đó là lần anh dựng lớp “Hồng Xích Nguyên” múa roi trong vở “Bão táp Nguyên Phong”. Cũng nhờ học lỏm ngón nghề từ thầy dạy võ ở quận 5, anh đã áp dụng thành công trong dàn dựng vũ đạo cho vở diễn. Thành công từ vũ đạo đã làm nức lòng khán giả, nở mặt các bậc tiền bối. Thanh Sơn liên tiếp được nhiều đoàn hát mời dàn dựng cho các vở diễn nổi tiếng khác. Ngoài ra, Thanh Sơn còn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả trong các phim điện ảnh truyền hình.
Những năm gần đây, khi nghệ thuật tuồng cổ rơi vào cảnh chợ chiều, NS Thanh Sơn nhớ có lần hát ở một ngôi đình, khán giả ngồi tụm 3 tụm 5 nói chuyện râm ran như họp tổ dân phố, mặc nghệ sĩ cứ biểu diễn cho Thần đình xem, anh rất buồn. Khắc ghi lời cha Minh Tơ dạy “Dù có 1 khán giả con vẫn phải hát”, Thanh Sơn vẫn kiên trì vượt qua mọi khó khăn trên bước đường nghệ thuật với hy vọng vào một ngày mai sân khấu tuồng sẽ tươi hơn.
Rồi niềm hy vọng ấy cũng dần trở thành hiện thực khi sân khấu Nhà văn hóa Thanh Niên mời NS Thanh Sơn biểu diễn các vở: Quang Trung đại phá, Trần Thủ Độ, Tận trung báo quốc, Bùi Thị Xuân, Kiếp Tằm vương tơ… Không chỉ tham gia diễn, Thanh Sơn còn tham gia viết tuồng và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Được đứng trên sân khấu, được biểu diễn, được làm sống lại nghệ thuật tuồng cổ. Đó là mong ước của NS. Thanh Sơn. Anh hy vọng một ngày nào đó khi du lịch phát triển, du khách muốn tìm hiểu nghệ thuật tuồng cổ thì Đình Cầu Quan (nay gọi là Đình Thái Hưng, quận 1, TP.HCM) sẽ là nơi lưu giữ, là sân khấu biểu diễn khôi phục lại nghệ thuật tuồng cổ.
Cao Phương
Nguồn: baodulich.net.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/co-mot-khan-gia-van-len-san-khau-a10619.html