28/06/2017 10:35
28/06/2017 10:35
Niềm vui từ sự trở lại của trò diễn Chèo Chải
Nói đến múa Chèo Chải người ta thường nhớ tới huyện Hoằng Hóa của xứ Thanh. Vốn dĩ là trò diễn truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác, Chèo Chải đã trở thành một phần của đời sống văn hóa người dân nơi đây.
Bên cạnh Hoằng Quỳ là xã đang bảo lưu rất tốt nét đẹp này thì xã Hoằng Hợp mới đây cũng đã phục dựng thành công trò diễn này, đóng góp thêm vào sự phong phú của đời sống tinh thần và quan trọng hơn là góp phần thổi lửa, giữ hồn văn hóa truyền thống của ông cha.
Theo nhiều tài liệu còn lưu giữ được, múa Chèo Chải hay còn gọi là Chèo Cạn hay điệu hát múa Chèo Chải thường được người dân các vùng Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa tổ chức vào kỳ lễ hội đầu xuân. Múa Chèo Chải cũng chính là phong tục của người dân hai bờ sông Mã, sông Cầu Chày, tả ngạn sông Chu bày tỏ ước mong một năm mưa thuận gió hòa, lao động sản xuất đạt kết quả cao, đời sống nhân dân ấm no, đủ đầy. Trải theo thăng trầm của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, múa Chèo Chải dần mai một ở một số nơi, duy chỉ có Hoằng Hóa còn giữ gìn và duy trì, trong đó nổi tiếng nhất vẫn phải kể đến xã Hoằng Quỳ. Tuy nhiên, trao đổi với ông Nguyễn Huy Thụ - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp chúng tôi được biết thêm: Năm 2016 vừa qua xã Hoằng Hợp đã khôi phục thành công trò múa Chèo Chải và được tỉnh công nhận.
Ngược dòng lịch sử để thấy rằng trước đây ở huyện Hoằng Hóa không chỉ có xã Hoằng Quỳ mà xã Hoằng Hợp cũng chính là nơi trò Chèo Chải được người dân tổ chức thường xuyên, xem như một nét văn hóa bản địa. Làng Trì Trọng xưa, nay là các làng Phúc Tiên, Trọng Hậu và các làng Bái Thượng, Bái Hạ nay là các làng Đức Giáo (xã Hoằng Hợp) cùng với làng Ích Hạ (xã Hoằng Quỳ) cứ mỗi độ xuân về lại rộn ràng lễ hội. Dụng cụ để biểu diễn Chèo Chải là một chiếc thuyền sơn vẽ giống thuyền rồng thủng đáy, có bánh xe đẩy đi đẩy lại. Những cô gái thanh tân trẻ đẹp được chọn để tham gia múa Chèo Chải. Thông thường người hát múa Chèo Chải được mặc áo mớ ba thắt lưng xanh, đội khăn vàng dây, mặc váy lụa đen, chân đi hài, tay cầm đạo cụ gồm mái chèo sơn son, quạt, cờ… Tồn tại đến nay, múa Chèo Chải cũng có một số thay đổi cho phù hợp với điều kiện tổ chức, việc tuyển chọn người tham gia múa không còn khắt khe như trước; trang phục và dụng cụ cũng được đầu tư công phu, đẹp mắt hơn.
Múa Chèo Chải ở Hoằng Hóa. (Ảnh T.T).
Ở Hoằng Hợp, trước khi được công nhận, người dân một số làng vẫn tổ chức múa Chèo Chải khi có dịp. Các cụ cao niên trong làng với nhiệt huyết giữ lửa văn hóa truyền thống đã đứng ra hướng dẫn, tập luyện cho các đội hát múa. Hội thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân không chỉ trong xã mà còn cả các vùng lân cận và trở thành nơi sinh hoạt văn hóa bổ ích, lí thú góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Chia sẻ niềm vui về việc khôi phục thành công trò Chèo Chải ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp Nguyễn Huy Thụ cho biết: “Cùng với các giải pháp phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân trong xã đang từng ngày được cải thiện theo chiều hướng tích cực thì những thành quả trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, đặc biệt là sự trở lại của trò Chèo Chải đang góp phần quan trọng tạo nên sự phong phú trong đời sống tinh thần của nhân dân. Việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống là việc làm cần thiết để tiếp tục lưu truyền những tài sản vô giá mà ông cha đã để lại cho các thế hệ hôm nay. Sau khi được khôi phục, xã Hoằng Hợp dự kiến sẽ tổ chức lễ hội vào tháng 2 âm lịch hằng năm”.
Nguyên Mai
Nguồn: vanhoadoisong.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/niem-vui-tu-su-tro-lai-cua-tro-dien-cheo-chai-a10612.html