Đạo diễn Việt Tú và hành trình tìm về văn hóa phương Đông

Việt Tú đã mang đến niềm hy vọng và niềm tin cho nhiều thế hệ trẻ, rằng bản sắc Việt Nam vẫn còn nhiều điều mà thế giới chưa thật sự được khám phá.

Từ thành công của việc mang “Tứ phủ” sáng đèn hàng tuần tại sân khấu thủ đô, cho tới mong muốn mang diễn viên quần chúng lên sân khấu lớn để giới thiệu văn hóa dân tộc trong vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam “Thủa ấy xứ Đoài”, Việt Tú đã mang đến niềm hy vọng và niềm tin cho nhiều thế hệ trẻ, rằng bản sắc Việt Nam vẫn còn nhiều điều mà thế giới chưa thật sự được khám phá. Và nhiệm vụ của những người làm nghệ thuật, sẽ phải chở tải những bản sắc đẹp đẽ ấy, bằng ngôn ngữ quốc tế ra thế giới.
 
Nhân “Thủa ấy xứ Đoài” đang là vở diễn thực cảnh gây ấn tượng về mặt thị giác cho người xem bởi sự đầu tư quy mô về mặt sân khấu, nhưng lại "đắt" về ý tưởng, Nhân Dân điện tử có cuộc trò chuyện thú vị với đạo diễn Việt Tú, trong hành trình tìm về phương Đông, mang văn hóa Việt đến gần hơn với khán giả quốc tế.
 
Tại sao không kể những câu chuyện bản địa nhất?
 
- Tôi nghĩ rằng, ý tưởng này đã làm anh phải trăn trở rất lâu. Bởi trước đó, anh có quá nhiều tác phẩm được đánh giá là xuất sắc và táo bạo khi mang văn hóa phương Tây lồng ghép trong các tác phẩm Việt Nam?
 
Tôi từng bị ngợp mắt bởi những chương trình, bộ phim của Trương Nghệ Mưu, của Lý An khi mang dàn diễn viên quần chúng lên sân khấu. Những tác phẩm ấy làm tôi sốc về mặt thị giác. Họ làm bằng chất liệu dân tộc quá đỗi tuyệt vời. Lúc ấy, tôi lờ mờ nhận ra, mình phải làm cái gì đó. Ít nhất là một nhà hát để riêng mình được thỏa sức làm nghệ thuật chân chính.
 
 
140 người nông dân kể câu chuyện xứ Đoài với khán giả.
 
Tôi đã đi nhiều về hướng tây. Nhưng ở đó, mọi sự mới lạ không còn nhiều thách thức về mặt sáng tạo với tôi. Tôi chọn cách đi về hướng đông, đến Nepal, đến Trung Quốc, Campuchia. Tôi nhận ra, họ đang đi trước mình một bước về làm chương trình văn hóa lớn để quảng bá hình ảnh đất nước họ.
 
Và tôi nghĩ: tại sao Việt Nam đẹp đẽ, có bề dầy văn hóa lại không thể làm được gì. Và tôi bắt đầu bằng “Tứ phủ” thay cho câu hỏi của mình.
 
Sau “Tứ phủ”, tôi lại vắt tay lên trán suy nghĩ, mình sẽ làm gì để vượt qua chính mình. Và đây không phải lần đầu tiên tôi hỏi mình câu đó đâu. Tôi đã từng tự tin với thành công của "Nhật thực", của "Cơn ác mộng của người thợ may"... và tôi cũng nghĩ, thật khó để mỗi nghệ sĩ vượt qua được sự thành công mà mình từng tạo dựng. Vì thế, với vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam “Thủa ấy xứ Đoài” quả là một cơn ác mộng với chính tôi. Mọi sự hy sinh về thời gian, về ý tưởng nó khiến tôi có cảm giác như mình rút hết cả hơi thở của mình để được sống thêm một lần nữa.
 
- Hơn một năm “vật vã” với vở diễn, anh có thấy mình được khai sáng từ chính bản thân mình?
 
Phải làm cái gì đó vừa quen, vừa lạ. Ấy là suy nghĩ ban đầu của tôi. Tôi tìm đến nghệ sĩ Chu Lượng, Phó Giám đốc Nhà hát múa rối nước Thăng Long và được ông tặng cho cuốn “Mặt rối, hồn người”. Tôi ngộ ra câu chuyện đánh tráo khái niệm giữa rối và người trong cuốn sách. Từ chìa khóa đó, tôi tìm đến những gì tinh túy nhất của rối nước để mang lên sân khấu. Trong vở diễn, bạn sẽ được thưởng thức những tích trò cổ của rối nước được tôi tráo đổi thành rối người như: Cấy cày nông nghiệp, Vinh quy bái tổ, Hội làng…
 
Ban đầu tôi chỉ định trình diễn thực cảnh lấy số đông đẹp đẽ là xong. Nhưng khi mang ra sân khấu lại thấy nó chỉ là những tiết mục đơn lẻ, không có nội dung xuyên suốt sẽ là một sự đánh đố với người xem, nhất là khán giả quốc tế, vì vậy, tôi đã thêm vào vở diễn câu chuyện tình yêu để làm sợi dây xuyên suốt dẫn dắt khán giả, thông qua câu chuyện ấy đưa khán giả đến các mảng miếng sinh hoạt của dân tộc chúng ta nghìn năm trước như: Đồng giao, câu ếch, cáo bắt vịt, thổi sáo, quay tơ dệt cửi, vinh quy bái tổ…
 
Để có được vở diễn như ngày hôm nay, tôi và ekip đã có những ngày ác mộng ăn ở, nằm vùng ở Sài Sơn, đọc ngấu về múa rối, lịch sử... mới tìm ra ý tưởng, hình thành lớp lang cho vở diễn.
 
Thời gian làm vở diễn này có rất nhiều thứ tôi học được, tôi ngộ ra, tôi trải nghiệm, tôi trả giá vì sự táo bạo của mình. Nhưng, tôi thấy nó xứng đáng.
 
 
Một màn kết hợp người và rối độc đáo.
 
Cảm xúc thật sẽ ngự trị trong lòng khán giả!
 
- Lần đầu tiên, khán giả được tiếp cận khái niệm sân khấu thực cảnh. Sân khấu của anh, ngoài sự hoành tráng về thủy đình chìm dưới sân khấu, từ ánh sáng gây sốc về thị giác, từ dàn diễn viên lên tới 140 người... điều gì sẽ là điểm nhấn đọng lại với khán giả, nhất là khán giả quốc tế vô cùng tinh tế?
 
Đó là sự chân thực của cảm xúc. Sân khấu của tôi, không phải là sân khấu ước lệ, cũng không có dàn diễn viên chuyên nghiệp. 140 người trên sân khấu là người nông dân thật sự. Họ quen thuộc với đồng áng, với những câu chuyện đồng dao, với những làn điệu chèo quen thuộc... và họ là người chuyển tải những câu chuyện sống động của làng quê Việt Nam lên sân khấu.
 
Ở đó, họ sẽ mang đến văn hóa cấy cầy nông nghiệp, những sinh hoạt đồng quê từ sáng sớm tới đêm khuya, của các tầng lớp từ người già đến trẻ nhỏ. Những câu chuyện cổ điển như cáo bắt vịt, múa phượng, chàng câu ếch... của múa rối, cùng những thực tế đời sống như cấy lúa, chăn thả vịt, kéo co, múa nón, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, già làng tụ tập, đua thuyền, đánh đu... được tái hiện rất chân thực.
 
Có nhiều người hỏi tôi, dại gì mà không thuê diễn viên chuyên nghiệp, rủi ro ít, thời gian ngắn, tính ổn định cao. Nhưng xin thưa, đã là thực cảnh, thì phải chân thực. Nếu câu chuyện này được diễn viên chuyên nghiệp kể coi như vất đi.
 
Nông dân là người kể chuyện. Cái chủ đạo tạo nên rung động cho show diễn là ở chỗ đó. Tôi mơ những người nông dân sẽ kể câu chuyện bản địa trên sân khấu. Và chính nó, sẽ là cốt lõi để kéo khán giả đến với sân khấu này.
 
Trong vở diễn, mọi âm thanh đều sống động chân thực của người diễn, âm thanh tầng lớp đến từ nhiều hướng, không có người “đóng giả” người già... Tôi không thể làm hàng “fake” vì nó sẽ trở thành một vở kịch sân khấu mà không đến nơi đến chốn rất tệ.

- Vượt qua chính mình khi đã có nhiều đỉnh cao nghệ thuật. Với “Thủa ấy xứ Đoài”, anh có tin mình đã làm được điều kỳ diệu, với chính bản thân mình?
 
Với tôi, những gì đầu tiên luôn quan trọng và giá trị. Mọi thứ tôi làm đều hướng đến cái đó. “Cái đầu tiên” luôn là câu hỏi thách thức với tôi. Vì vậy, “Thủa ấy xứ Đoài” là cuộc chạy đua với thời gian, với áp lực của tôi và nhà đầu tư, ông Đào Hồng Tuyển, để có được thứ đầu tiên: vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam. Giống như concept trong vở thời trang đầu tiên "Cơn ác mộng của người thợ may", nếu người sáng tạo luôn bị ám ảnh bởi những thành tựu cũ, không thể thoát ra để tìm được cái mới, thì mãi mãi mình sẽ ở lại trong hố đen của sự sáng tạo.
 
Với vở diễn này, tôi gần như gặp ác mộng liên tục, có những đêm tỉnh dậy, tôi nghĩ có khi mình bị điên mất, tại sao thứ dễ không làm, lại chọn thứ khó, người nông dân hoàn toàn là tờ giấy trắng trong cuộc sống và kỹ năng diễn xuất sao có thể biến họ thành diễn viên được. Có hôm lạc quan lắm, nhưng đến hôm sau lại làm lại từ đầu. Không biết nên cười hay nên khóc vì trong suốt quá trình tập luyện, lần lượt tới 40% diễn viên xin nghỉ vì những lý do đa dạng.
 
Nhưng sự tự ái nghề nghiệp cùng trách nhiệm với nhà đầu tư là Tập đoàn Tuần Châu, mình không thể bỏ giữa chừng. Và cứ thế, tôi, ê kíp và bà con đã đồng hành cùng nhau hơn một năm qua, quyết không bỏ cuộc.
 
 
- Cảm xúc chân thực, bao giờ cũng dễ đến với khán giả. Tôi tin là anh đã có triết lý đúng trong việc xây dựng vở diễn thực cảnh này. Thông điệp của sự chân thực trong văn hóa bản địa, đó có phải là dụng ý để kéo khách du lịch đến với Việt Nam?
 
Muốn thu hút khách du lịch là phải làm văn hóa có văn hóa, giữ được văn hóa gốc. Nghĩa là mang đến cho khán giả những nét văn hóa địa phương bằng ngôn ngữ toàn cầu. Nếu bạn không định tính, định danh được văn hóa của bạn thì sẽ không ai đến xem văn hóa cả. Và chúng ta cần hiểu, đối diện với văn hóa là khán giả toàn cầu, nên nếu làm cái gì không có tính nhận diện thì sẽ không có khách.
 
 
"Đối diện với văn hóa là khán giả toàn cầu, nên nếu làm cái gì không có tính nhận diện thì sẽ không có khách".
 
- Từ “Tứ phủ” đến “Thủa ấy xứ Đoài”, anh dường như đang đi đúng hướng trong hành trình tìm về phương Đông của mình. Anh thấy mình được gì, từ những sáng tạo nghệ thuật đó?
 
Tôi đã từng có dịp gặp và trò chuyện với Tan Dun, nhà soạn nhạc lừng danh, ông ấy nói, muốn ra được với toàn cầu (global) thì người nghệ sĩ cần có sự nhận diện địa phương (local), sự nhận diện này rất quan trọng, nếu không mọi thứ sẽ chỉ là nhạt nhòa. Đó là khoảng năm 2006, tại New York, trước buổi ra mắt vở "Opera The fisrt Emperor". Với việc chuyển hướng sáng tạo về hướng Đông, tôi tin rằng mình đang trở về đúng nơi mình bắt đầu để đến được nơi mình cần đến. Và những vở diễn như “Tứ Phủ”, giờ đây là “Thủa ấy xứ Đoài” sẽ là những viên gạch để tạo nên con đường cho hành trình của tôi.
 
Xin cảm ơn đạo diễn Việt Tú!
 
Thiên Lam (nhandan.com.vn)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dao-dien-viet-tu-va-hanh-trinh-tim-ve-van-hoa-phuong-dong-a10581.html