26/06/2017 16:33
26/06/2017 16:33
Đánh thức kho báu du lịch thời Chúa Nguyễn: Nhận diện kho báu
Du lịch Huế còn có một kho báu chưa được đánh thức. Đó là hệ thống di tích gắn liền với thời Chúa Nguyễn. Phát hiện và đưa vào khai thác có hiệu quả sẽ là một sự bổ sung tuyệt vời cho hành trình khám phá di sản văn hóa Huế.
Lăng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đang được tu sửa
Lần đầu tiên đến thăm các lăng Chúa Nguyễn cách nay 5 năm ở làng La Khê và Hải Cát, xã Hương Thọ (Hương Trà), có một cảm giác thích thú và ngạc nhiên. Bất ngờ là bởi có sự tồn tại cả một quần thể lăng tẩm nguyên vẹn chín đời Chúa ở cùng một khu vực có bán kính chưa quá một cây số mà trước đây chưa hề hay biết. So với các lăng Vua Nguyễn bề thế và uy nghi cách đó không xa, các lăng chúa khiêm tốn hơn nhiều. Quy mô và cấu trúc các lăng về cơ bản lại tương tự nhau. Mỗi lăng đều có 2 lớp tường thành hình chữ nhật bao bọc, xây bằng đá núi và gạch vồ, trước mặt và sau lưng đều có bình phong che chắn. Nấm mộ xây hình khối chữ nhật, trước mặt đều có án thờ. Tóm lại, mỗi lăng Chúa đơn lẻ nhìn chẳng khác mấy các lăng bình thường, thua xa lăng mộ của nhiều bậc đại quan ở Huế. Sự đơn sơ, dung dị được giải thích bởi đây là lăng mộ cải táng từ các nơi về và cùng được xây dựng lại đầu triều Vua Nguyễn.
Thăm lăng Chúa Nguyễn, tôi lại bị hấp dẫn bởi một cảm giác lạ. Nó bắt đầu từ hành trình khi từ Huế đi qua những cung đường không quá xa lại quanh co, rồi một chuyến đò sang sông trước khu vực lăng Chúa. Những con đường ngoằn ngèo, nằm dưới những tán cây xanh mang dáng vẻ hoang sơ, bí hiểm và tất nhiên không kém phần hấp dẫn đối với những ai khao khát khám phá những điều bí ẩn. Các lăng Chúa không cách xa nhau, có trường hợp chỉ chừng mét, ẩn hiện thấp thoáng sau những lùm cây, những khu vườn rợp bóng. Đi nhiều mà vẫn không thấy mệt, thấy chán, bởi mỗi lăng mộ là một con người, một cảnh quan và hơn thế một sự khác biệt. Có điều, nó như một kho báu chưa được khơi dậy và đánh thức bởi những người làm du lịch nên không phải là điểm đến dễ dàng dành cho tất cả mọi người. Tự dưng bỗng thấy nhớ nhà văn Sơn Nam, hàng chục năm trước khi biên soạn cuốn “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” đã lặn lội từ Nam Bộ ra Huế, ngược dòng Hương Giang, lên đến ngã ba Tuần, rồi vượt sông qua bên tê tả ngạn dòng Tả Trạch để kính viếng lăng chúa Nguyễn Phúc Chu và các Chúa Nguyễn.
Khu lăng mộ của các vị Chúa Nguyễn chỉ là một trong những điểm nhấn. Không đồ sộ và còn gần như nguyên vẹn như triều đại Nguyễn sau này, thế nhưng hệ thống những di tích của thời kỳ Chúa Nguyễn trị vì kéo dài hơn 200 năm kể từ thời điểm 1558 khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng rời bỏ Đàng Ngoài bởi lo sợ sự bức hại của người anh rể Trịnh Kiểm để vào Nam dựng nên xứ Đàng Trong cho đến năm 1776 bị nhà Tây Sơn tiêu diệt thực sự là kho báu lớn. Huế - Phú Xuân là nơi đang lưu giữ nhiều di tích có giá trị lịch sử nhất về thời Chúa Nguyễn.
Cùng với lăng Chúa Nguyễn là những thủ phủ một thời vang danh, gắn với tên gọi các địa danh Phước Yên, Bác Vọng (Quảng Điền), Kim Long, Phú Xuân (Huế). Quá trình phát triển và đô thị hóa đã khiến cho Kim Long hay Phú Xuân ngày càng mới, nhiều công trình mới được dựng lên và dấu tích xưa của một thời “Xứ Đàng Trong” nhạt phai rất nhiều. Với Phước Yên và Bác Vọng, tuy không còn những lầu son gác tía nhưng một lần ghé thăm vẫn thấy bàng bạc dấu xưa. Ở Phước Yên còn đó miếu thờ của Chiêu Võ hầu Nguyễn Hữu Dật, người có cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với sự lớn mạnh, mở mang bờ cõi, xây dựng và củng cố lực lượng của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Hay ở Bác Vọng là ngôi chùa cổ Thiện Khánh mà dân gian vẫn quen gọi chùa Bác Vọng Tây, tương truyền được xây dựng dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, nghĩa là cách nay đã 300 năm. Cũng ở Bác Vọng, còn có miếu thờ Bà Tơ, một nhân vật huyền thoại, tương truyền đã có công cứu sống Chúa Nguyễn Hoàng bị lâm nguy trong một trận thủy chiến trên sông Bồ cách nay 400 năm!
Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật và Bà Tơ chỉ là 2 trong số rất nhiều những di tích có liên quan đến nhân vật lịch sử thời Chúa Nguyễn. Còn lại phải kể đến miếu thờ Bà Trà, một số những vị khai quốc công thần tiền triều Nguyễn ở làng Diêm Trường (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc), khu lăng mộ ở Lộc Sơn (Phú Lộc) và nhà thờ Nguyễn Cư Trinh ở An Hòa (TP. Huế). Nguyễn Cư trinh sinh năm Bính Tuất (1716) là một danh tướng, danh sĩ thời Chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và Định vương Nguyễn Phúc Thuần.
Chuyện kể về Bà Trà đầy khí phách, gợi nhớ đến hình ảnh Bà Trưng, bà Triệu năm nào. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, tháng 7 năm Tân Mùi (1571), anh em Mỹ Lương, Văn Lan và Nghĩa Sơn ở Khang Lộc (Quảng Bình) câu kết với họ Trịnh nổi loạn, định đánh úp Vũ Xương nên cho quân mai phục ở Minh Linh và Cầu Ngói (Hải Lăng). Chúa Tiên Nguyễn Hoàng biết được, thân chinh ngầm đánh Mỹ Lương ở Cầu Ngói, sai phó tướng Trương Trà đánh Minh Linh. Giao tranh ác liệt, Mỹ Lương trốn chạy bị chém; Trương Trà tiến quân đến Phúc Thị, đánh nhau với giặc, bị Nghĩa Sơn bắn chết. Quốc sử quán triều Nguyễn chép trong “Thực lục tiền biên”: “Vợ Trà là Trần Thị (người xã Diêm Trường) nghe tin nổi giận, mặc quần áo đàn ông thúc quân đánh, bắn chết Nghĩa Sơn tại trận. Quân Văn Lan thua, trốn về với Trịnh. Thế là, dẹp hết đảng giặc. Chúa đem quân về. Phong Trần thị làm quận phu nhân”.
Di tích lịch sử thời Chúa Nguyễn còn lại nổi tiếng và hiện đang là điểm đến du lịch ở Thừa Thiên Huế là hệ thống các chùa cổ, trong đó đầu tiên phải nhắc đến là chùa Thiên Mụ. Được chính thức khởi lập vào năm Tân Sửu (1601) vào thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, vị chúa đầu tiên xứ Đàng Trong, chùa Thiên Mụ cho đến nay vẫn sừng sững nét oai nghiêm và mang nét đẹp bền vững với thời gian. Việt Nam là xứ sở của đền chùa chẳng thua kém bất kỳ nước nào nhưng chỉ mỗi chùa Thiên Mụ là lọt vào danh sách top đền chùa tháp đẹp nhất châu Á do tạp chí du lịch Lonely Planet nổi tiếng thế giới bình chọn.
Đình Nam
Nguồn: Thừa Thiên Huế Online
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/danh-thuc-kho-bau-du-lich-thoi-chua-nguyen-nhan-dien-kho-bau-a10578.html