TP.HCM: Vướng mắc của các bảo tàng!

Mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP.HCM) có buổi làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch TP.HCM và lãnh đạo của 7 bảo tàng nhằm tìm kiếm phương án tối ưu để thu hút khách.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao, cho biết trong 2 năm gần đây lượng khách đến tham quan bảo tàng có tăng nhưng không đáng kể, cụ thể năm 2015: 4,6 triệu lượt; 2016: 5,2 triệu lượt. Một trong những điểm yếu lâu nay của các bảo tàng là vẫn chưa gắn kết được với các công ty du lịch lữ hành, ngoại trừ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, các bảo tàng khác hầu như du khách tự tìm đến. Điều đáng lo ngại là nhiều công ty du lịch chưa xem bảo tàng là sản phẩm du lịch, nên họ bỏ qua điểm đến này.



Bảo tàng TP.HCM

Ông Minh nói giá vé tham quan bảo tàng được quy định từ năm 2005 nay không còn phù hợp nữa, ông đề xuất HĐND xem xét cho một số bảo tàng tăng giá vé lên 30.000 đồng/ khách người lớn, không phân biệt khách trong nước hay nước ngoài. Và kể từ ngày 1/ 6 sẽ có 3 bảo tàng mở cửa đón khách suốt từ 7 giờ 30 – 18 giờ, bao gồm: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Lịch sử VN.

Cũng tại buổi làm việc, đại điện Sở Văn hóa – Thể thao đề xuất Ban Kinh tế - Ngân sách tạo điều kiện về kinh phí để trùng tu một số di tích, bảo tàng đang xuống cấp, đồng thời xem xét cho phép các bảo tàng được phép làm dịch vụ ngoài chuyên môn: kinh doanh điểm tâm, giải khát, tư vấn các điểm đến, dịch vụ vé máy bay… để cải thiện thu nhập cho cán bộ CNVC. Cứ như hiện nay đến 17 giờ là đóng cửa, gây lãng phí.

Đồng quan điểm trên, bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho rằng, mỗi bảo tàng có lợi thế riêng. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có lợi thế là bảo tàng chuyên đề về tội ác, hậu quả chiến tranh xâm lược… nên có sức hấp dẫn rất cao. Trong 2 năm gần đây, mỗi năm trung bình đón trên 1,2 triệu lượt khách (trong đó 80% khách trong nước), mang về nguồn thu khoảng 13 tỷ đồng/năm, con số thu gần như cao nhất trong hệ thống bảo tàng hiện nay, từ nguồn thu này hằng năm trích ra 3 – 4 tỷ đồng để tái đầu tư phát triển di sản. Tuy vậy, Bảo tàng chưa bao giờ chủ quan mà luôn tìm tòi học hỏi, nghiên cứu để có kịch bản trưng bày hấp dẫn, độc đáo, phù hợp với từng chuyên đề. Đó chính là yếu tố quyết định việc thu hút công chúng đến với bảo tàng.

Song, có lẽ trăn trở chung và lớn nhất của các bảo tàng hiện nay là bãi đỗ xe cho khách tham quan. Vì hầu hết các bảo tàng ở TP.HCM hiện nay không có bãi đỗ xe cho khách tham quan, đặc biệt là khách đoàn. Nếu đậu xe dưới lòng đường gây tình trạng kẹt xe, bị CSGT phạt, còn đậu xe xa bảo tàng thì khách không chịu. Vì vây, có rất nhiều đoàn khách tham quan vì muốn làm vừa lòng khách đã đậu xe dưới lòng đường bị CSGT xử phạt. Đại diện Sở Du lịch đề nghị HĐND trong cuộc họp tới đây nên có ý kiến cụ thể, trường hợp nào được đậu, trường hợp nào không được đậu. Bởi hành xử quá cứng nhắc thì sẽ rất khó cho phát triển du lịch, trong khi City tour của mình còn rất nghèo nàn. Độ dài lưu trú của du khách đến TP.HCM hiện nay trung bình 1,6 ngày/lượt khách, tiến rất gần đến vai trò của một thành phố trung chuyển hơn là thành phố đầu tàu du lịch như nhiều người từng kỳ vọng.

Còn theo bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền – Giám đốc Bảo tàng TP.HCM, du lịch thành phố muốn phát triển cần phải tăng cường hơn nữa cho công tác an ninh du lịch, không chỉ tập trung quanh khu vực bảo tàng, mà còn trên tất cả các tuyến đường của thành phố cho du khách cảm thấy yên tâm mỗi khi ra đường. Vì hiện nay thỉnh thoảng vẫn còn tình trạng du khách bị mất cắp… khiến không ít du khách tỏ ra e ngại.

Tiềm năng phát triển du lịch của TP.HCM còn rất lớn nhưng, để “kích hoạt” tiềm năng này thì các ngành liên quan phải liên kết, bắt tay hỗ trợ một cách tích cực hơn mới mong phát triển như kỳ vọng.


Cao Phương

Nguồn: baodulich.net.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tphcm-vuong-mac-cua-cac-bao-tang-a10531.html