Hát then, đàn tính trên đất Cư Êwi

Dù xa quê hương Cao Bằng đã hơn 20 năm nhưng những người dân tộc Tày đang sinh sống trên mảnh đất Cư Êwi (huyện Cư Kuin) vẫn lưu giữ được truyền thống văn hóa hát then, đàn tính.

Năm 1993, bà Nông Thị Nở (hiện trú tại thôn 4, xã Cư Êwi) theo dòng người di cư từ miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên sinh sống, mang theo nỗi nhớ quê hương cùng “điệu then, tiếng tính”. Người dân trong thôn nơi bà Nở ở đa số là người Tày, Nùng, nhưng vì cuộc sống mưu sinh vất vả nên theo thời gian, những trò chơi dân gian cùng nhưng làn điệu then dần mai một. Chính điều đó đã thôi thúc bà Nở tìm mọi cách giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. “Xuất phát từ niềm đam mê văn hóa dân tộc nên tôi đã tập hợp những người cùng sở thích để cùng tham gia lớp học hát then và đàn tính do những người già trong thôn truyền dạy. Tư liệu để học của lớp chỉ là những băng cát xét hay nghe làn điệu qua radio, tivi nên quá trình tập luyện gặp phải không ít khó khăn”- bà Nở tâm sự.

Rồi những ấp ủ của bà Nở cũng thành hiện thực khi câu lạc bộ hát then xã Cư Êwi do bà Nở làm Chủ nhiệm đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động vào năm 1995. Từ 4 thành viên ban đầu, CLB hiện đã có 15 thành viên, trong đó người nhỏ tuổi nhất là em Phan Thị Nhất (1994). Việc luyện tập hát then do phụ nữ đảm nhận, còn đàn tính sẽ do nam giới phụ trách. Hai nghệ nhân đánh đàn là ông Phan Văn Tiến và ông Hoàng Ngọc Mạc đều đã ở tuổi ngoài 70, nhưng chưa có buổi tập nào của CLB mà hai ông vắng mặt. Theo ông Tiến, với người Tày, then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng. Do đó hát then, đàn tính thường được sử dụng vào các dịp lễ hội và nhất là dịp tết của người Tày.



Biểu diễn hát then đàn tính tại Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc ở xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin). Ảnh: N. Gia.

Then có nghĩa là “thiên”. Bà con người Tày quan niệm khúc hát then là khúc hát thần tiên, là cầu nối tâm linh mang theo lời thỉnh cầu, mong ước gửi tới thánh thần. Đàn tính phần thân được làm từ quả bầu, hoặc gỗ dâu. Loại đàn này hiện nay được CLB đặt mua từ quê hương Cao Bằng đưa vào. Ngoài đàn tính, CLB cũng tự trang bị trang phục Tày, Nùng phục vụ cho hoạt động biểu diễn vào các dịp lễ hội tại địa phương. Đáng ghi nhận là không chỉ cùng nhau tham gia sinh hoạt văn nghệ vào các dịp lễ hội, mà những lúc nông nhàn, các thành viên trong CLB cũng tích cực tập luyện để truyền dạy cho nhau những điệu hát then hay cách đánh đàn tính sao cho thật chuẩn, thật nhuần nhuyễn.

Ông Bùi Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Cư Êwi cho biết, xã Cư Êwi hiện có 14 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có khá đông người dân tộc Tày, Nùng. Để góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc miền núi phía Bắc, cứ hai năm xã lại tổ chức lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc cho người Tày, Nùng trên địa bàn xã tham gia. Ngoài các tiết mục văn nghệ hát then, đàn tính, người dân còn tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co và cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc. Đây cũng là một trong những họat động nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tại địa phương.

Như Quỳnh

Nguồn: Đắk Lắk Online

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hat-then-dan-tinh-tren-dat-cu-ewi-a10486.html