Ngay cả bản thân Lê Duy Ứng lúc bấy giờ cũng đầy tuyệt vọng, lo lắng. Nhưng rồi, theo thời gian, cùng với sự động viên của gia đình, người thân, bác sĩ, ông đã lấy lại niềm tin, nghị lực và hi vọng. Thời gian cùng những gì ông làm đã là câu trả lời, chứng minh với cuộc đời này rằng không có gì người ta không làm được nếu có đủ lòng tin và lạc quan.
Năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh sinh viên Lê Duy Ứng xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, với giá vẽ, bảng màu trên vai, ông tới với nhiều chiến trường khác nhau làm nhiệm vụ ghi lại những giây phút ác liệt của chiến tranh. Cho tới ngày 28/4/1975, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, trước ngày thống nhất nước nhà, ông đã bị thương và mất đi đôi mắt. Có lẽ, đối với người họa sĩ, không còn nỗi đau mất mát nào lớn hơn việc không còn được nhìn thấy ánh sáng, không còn được nhìn ngắm cuộc sống ngoài kia đang rộn rã.
Trở về hậu phương, người thương binh, họa sĩ đã nhanh chóng lấy lại tinh thần, vừa điều trị ở bệnh viện, ông vừa tập điêu khắc, nặn tượng, vẽ tranh trong bóng tối bằng trí tưởng tượng và giác quan nhạy cảm của người nghệ sĩ, trong đó, ông đặc biệt dành nhiều tâm huyết cho tranh và tượng về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tháng 10 năm 1982, ông may mắn được cấy ghép mắt thành công, tìm lại được ánh sáng, từ đó, ông lao mình vào làm việc, sáng tạo nghệ thuật, bù lại những tháng ngày khó khăn kia. Hơn 40 năm sáng tác, mắt lúc mờ lúc tỏ, thương binh, họa sĩ Lê Duy Ứng đã để lại một khối gia tài khá lớn những bức tranh, tượng có giá trị. Tuy nhiên, có lẽ gia tài đồ sộ nhất, đáng quý nhất mà ông để lại phải là những ảnh hưởng và sức lan tỏa của ông đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tôi may mắn được chứng kiến nhiều cuộc nói chuyện của ông với thanh niên, học sinh trong cả nước, cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết trong ông đang truyền qua cho thế hệ trẻ mà ngưỡng mộ, kính phục.
Năm 2012, ông có cuộc triển lãm tranh tượng tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế. Tại Thành phố Đồng Hới, họa sĩ bất ngờ đón tiếp một đoàn học sinh THPT đến tham quan triển lãm. Hỏi ra mới biết, các em đều là học sinh của trường THPT số 5 Bố Trạch, vì được nghe cô giáo chủ nhiệm kể về tấm gương của ông mà xin với cô giáo cho một phần thưởng là đến với triển lãm của người họa sĩ đặc biệt này. Em Phan Văn Chính, bây giờ là học viên trường cao đẳng cảnh sát kể: “Hồi đó, chúng em phải cạnh tranh nhau dữ lắm, cô giáo nói, hai lớp chỉ có 30 suất đi Đồng Hới vì đường xá xa xôi, phương tiện đi lại cũng khó khăn. Cô sẽ xét thành tích học tập. Thế là hai lớp A, C của chúng em sôi sục thi đua dành kết quả học tập cao, cuối cùng cũng đến ngày triển lãm. Nhiều bạn không đủ tiêu chuẩn để đi bèn dùng xe đạp đi hơn 20km để vào Đồng Hới”. Chính cười cười: “Trời ơi, cạnh tranh ác liệt lắm anh, em suýt nữa trật cơ hội gặp ông Lê Duy Ứng. Khi gặp ông, cảm xúc khó tả lắm anh à, vừa nghẹn ngào, xúc động, vừa khâm phục tận đáy lòng. Chúng em sinh trong trời bình, học hành sung sướng, có biết gì đâu đến khó khăn gian khổ. Cũng có bạn nhà còn khó khăn, nản chí muốn bỏ học, gặp ông, nghe ông nói chuyện, lại thấy xấu hổ về mình. Ông ấy mất mát nhiều thế kia, đau đớn thế kia, vậy mà vượt lên tất cả được, chúng em cũng phải làm được”.
Lần đó, họa sĩ đã không tiếc thời gian ngồi nói chuyện, động viên tinh thần học tập của các cháu, lại còn trực tiếp vẽ chân dung Bác Hồ tặng cho các cháu nữa. Đến bay giờ, các em vẫn trân trọng cất giữ những bức tranh này, như một món quà vô giá nhắc nhở bản thân vươn lên trong cuộc sống.
Em Cao Ngọc Anh, sinh năm 1999, học sinh trường chuyên thành phố Hồ Chí Minh, giải 3 môn Văn toàn quốc cũng là một người của thế hệ trẻ, lấy tấm gương họa sĩ Lê Duy Ứng làm động lực thúc đẩy sự phấn đấu của bản thân. Trên bàn học của em luôn treo bức chân dung Bác Hồ do họa sĩ vẽ tặng, mỗi lúc khó khăn lại nhìn đó mà vượt qua tất cả.
Năm 2014, chiều 20/12, hơn 30 cán bộ, giáo viên và 462 học sinh của Trường THCS Vạn Phái (Phổ Yên, Thái Nguyên) cùng nhiều khách mời đã may mắn có dịp được họa sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng đến thăm Trường và chia sẻ những câu chuyện về chính cuộc đời ông. Mọi người ùa ra đón, ôm chầm lấy ông như chào đón một người thân thiết lâu ngày không gặp. Rồi tất cả lặng đi, những ánh mắt học trò chăm chú khi ông bắt đầu câu chuyện của mình. Xen giữa những câu chuyện lịch sử, người hoạ sĩ mù mà đa tài thỉnh thoảng lại hát những bài ca cách mạng, thổi sáo và đọc những vần thơ do chính ông sáng tác. Ở tuổi 67 và bị thương tật tới 91%, chất giọng của ông vẫn khỏe khoắn, luôn thể hiện sự lạc quan với nụ cười rạng rỡ, hiền từ thường trực trên môi. Ông nêu những câu hỏi lịch sử, mỗi học sinh trả lời đúng lại được ông tặng những bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do mình vẽ khi đã hỏng cả 2 mắt. Các em học sinh hào hứng lên nhận tranh từ tay ông và xúc động ôm lấy người Anh hùng. Người Anh hùng ấy cười, nụ cười thể hiện tinh thần lạc quan đến mãnh liệt. Ông bảo, mình “cao số” nên còn sống được đến bây giờ, dù hỏng cả 2 mắt nhưng vẫn may mắn hơn biết bao đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường. Sau gần 2 giờ đồng hồ gặp gỡ với mọi người và chia sẻ trên sân khấu, Anh hùng Lê Duy Ứng chia tay trong sự bịn rịn, xúc động của mọi người, đặc biệt là của các học sinh, ông dặc dò các em hãy gia sức chăm ngoan, học giỏi để sau này đóng góp cho sự phát triển của đất nước, xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của các bậc cha ông.
Với những cống hiến của mình, ông đã nhận được nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, năm 2013, thương binh, họa sĩ Lê Duy Ứng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lương vũ trang.
Nhiều năm gần đây, mắt ông mờ dần đi rồi không còn nhìn được nữa, chỉ có thể phân biệt sáng tối nhưng ông vẫn tiếp tục sáng tác nghệ thuật, say sưa tạc tượng, vẽ tranh chân dung Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dành thời gian đến nhiều nơi để nói chuyện lịch sử, giáo dục lòng tự hào dân tộc và bồi dưỡng tinh thần lạc quan, nghị lực sống cho thế hệ trẻ. Ông bảo “dù đôi mắt không nhìn được nhưng đối với tôi, niềm tin, ánh sáng tâm hồn không bao giờ tắt”. Đến ngôi nhà nhỏ của ông ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, khách vẫn luôn được nghe tiếng hát, tiếng sáo của ông du dương, vang vọng, khỏe khoắn, tiếp thêm lửa niềm tin và hi vọng cho bao lớp người Việt Nam.
Mai Xuân Hiển
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-duy-ung-nguoi-thap-lua-niem-tin-va-nghi-luc-cho-tuoi-tre-a10477.html