Tham dự có lãnh đạo của Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, chính quyền tỉnh Quảng Nam, Thị xã Điện Bàn và người dân.
Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cho biết: "Hồ sơ khoa học Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm với đầy đủ các tư liệu, cứ liệu, hình ảnh, bản đồ... đã khẳng định, Dinh trấn Thanh Chiêm (còn gọi là Caccium, Dinh Chiêm, Quảng Nam dinh...) ở tại thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tồn tại trong 230 năm (từ 1602 đến 1832), là nơi để các hoàng tử “tập sự” trước khi trở thành các Chúa Nguyễn".
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu nhận bằng công nhận Di tích Quốc gia Dinh trấn Thanh Chiêm. Ảnh: Tiên Phong.
Dinh trấn Thanh Chiêm là “thủ phủ thứ hai”, là trung tâm chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế và văn hóa ở Đàng Trong sau Phủ Chúa Phú Xuân.
Đây là cái nôi ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ ở nước ta. Chính tại nơi đây, các giáo sĩ phương Tây với sự cộng tác của những người Việt ở Thanh Chiêm - Quảng Nam, đã ký âm các mẫu tự La Tinh theo tiếng nói người Quảng Nam và lập ra “trường dạy” chữ Quốc ngữ đầu tiên.
“Với tất cả các giá trị văn hóa – lịch sử đó, việc công nhận Di tích quốc gia Dinh trấn Thanh Chiêm có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đây là sự khẳng định trên phương diện quản lý nhà nước về vai trò, vị trí, giá trị văn hóa lịch sử của Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm.
Là sự tri ân của các thế hệ con cháu với các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước, đặc biệt là quá trình Nam tiến của dân tộc Việt. Là sự tôn vinh giá trị của chữ Quốc ngữ - ngôn ngữ chính thống của người Việt Nam trong công cuộc duy tân đất nước và hội nhập hôm nay”, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL nói.
Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL trao bằng công nhận Di tích Quốc gia Dinh trấn Thanh Chiêm. Ảnh: Tiên Phong.
Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL bày tỏ tin tưởng, Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm sẽ được các cấp, các ngành từ tỉnh Quảng Nam đến Thị xã Điện Bàn, xã Điện Phương và cộng đồng dân cư làng Thanh Chiêm sẽ tiếp tục gìn giữ và ngày càng phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí, giá trị của Di tích này.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm qua, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm.
Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Dinh trấn Quảng Nam năm 2002; Ngày hội 405 năm Dinh trấn Thanh Chiêm năm 2007; Hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ năm 2016...
Viện Ngôn ngữ học đã chủ trì thực hiện đề tài khoa học “Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ”. Bộ VH-TT&DL phối hợp với GS-TS Kikuchi – Seiichi trường Đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản khai quật khảo cứu vết tích Dinh trấn Thanh Chiêm trong 3 năm 1999-2001.
Bằng công nhận Di tích Quốc gia Dinh trấn Thanh Chiêm. Ảnh: Tiên Phong.
“Năm 2008, Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Và hôm nay, tỉnh Quảng Nam long trọng đón nhận Bằng Di tích Quốc gia Dinh trấn Thanh Chiêm tại thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, Thị xã Điện Bàn do Bộ VH-TT&DL trao.
Đây là sự khẳng định về vị trí, vai trò, giá trị lịch sử - văn hóa của Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm gắn với sự khai sinh chữ Quốc ngữ”, ông Thanh bày tỏ.
Theo ông Thanh, hiện tại vai trò, vị trí của Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm được nâng lên một tầm mới. Đây là niềm tự hào và cũng là trọng trách đối với toàn thể nhân dân và lãnh đạo Thị xã Điện Bàn.
Ông Thanh đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành chuyên môn của Thị xã, của tỉnh phải tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng các phương án, đề án, các lộ trình cụ thể để tôn tạo và phát huy giá trị Di tích gắn kết với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, trong chuỗi Hành trình Di sản Hội An – Mỹ Sơn, Di tích Dinh trấn Thanh Chiêm phải trở thành một “điểm nhấn” để làm phong phú thêm các giá trị di sản văn hóa Quảng Nam.
Tiên Phong