Gian nan bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Những nỗ lực đã được đền đáp

Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là các hoạt động xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Chính vì sự quan tâm kịp thời đó mà nhiều trò chơi, trò diễn dân gian tưởng như “mất trắng” nay đã khôi phục gần như nguyên trạng.

Từ cơ chế khuyến khích

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn cả tỉnh, có lẽ huyện Hoằng Hóa vẫn là điểm sáng bền vững trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của cha ông trong nhiều năm qua. Nhiều người biết đến Hoằng Hóa với những CLB văn hóa, văn nghệ hoạt động chất lượng và vô cùng sôi nổi với sức lan tỏa rộng khắp, như: CLB trống hội cung đình Phú Khê (Hoằng Phú); CLB chèo làng Vĩnh Gia, Phượng Mao (Hoằng Phượng),  CLB chèo Bút Sơn, CLB  chèo làng Nhân Trạch (Hoằng Đạo) mượt mà, say đắm lòng người... Qua tìm hiểu các thành viên của các CLB được biết: Trước đây khi CLB được thành lập thì việc tập luyện, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí để mua sắm đạo cụ, trang thiết bị... Tuy nhiên, từ năm 2012, bài toán kinh phí phần nào đã có lời giải.

Ông Lê Thanh Cảnh - Trưởng phòng VHTT huyện Hoằng Hóa cho biết: Với truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú, độc đáo, cùng với việc tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh tại các di tích lịch sử, văn hóa, Hoằng Hóa luôn coi trọng việc tổ chức tốt các lễ hội văn hóa truyền thống, nhất là các trò chơi, trò diễn, các làn điệu dân ca, dân vũ... Và để khôi phục và phát huy hiệu quả hoạt động của các trò chơi, trò diễn dân gian, huyện Hoằng Hóa đã đưa các chính sách hỗ trợ cụ thể.

Theo đó, huyện đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng/1 trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục và hỗ trợ từ 3 - 5 triệu đồng/năm với mỗi trò chơi, trò diễn dân gian đã được khôi phục, duy trì hoạt động. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 19 CLB, trò chơi, trò diễn nhận được sự hỗ trợ về kinh phí cho việc khôi phục và duy trì hoạt động hàng năm. Số tiền tuy không nhiều song đã kịp thời động viên tinh thần, giúp các CLB khắc phục bài toán “kinh phí” vốn nan giải.

Cùng với huyện Hoằng Hóa, các huyện Đông Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Quảng Xương, Ngọc lặc, Lang Chánh... cũng có nhiều cách làm khá hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian. Chính vì sự quan tâm kịp thời đó mà nhiều trò chơi, trò diễn dân gian tưởng như “mất trắng” nay đã khôi phục gần như nguyên trạng như dân ca Đông Anh (Đông Sơn), trò Xuân Phả (Thọ Xuân), trò Chiềng (Yên Định)... Vinh dự, tự hào khi Trò Chiềng mới đây đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 2 bộ hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, gồm: lễ hội Trò Chiềng và Trò diễn dân ca Đông Anh đã hoàn thành và được UBND tỉnh trình Bộ VH, TT&DL thẩm định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.



Trò Xuân Phả được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc thành lập các đội văn nghệ quần chúng cũng là một trong những cách làm rất có hiệu quả trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 4.600 đội văn nghệ quần chúng và CLB, mỗi năm tổ chức hơn 30.000 buổi hoạt động, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia, tạo nên sân chơi lành mạnh trong các cộng đồng, khu dân cư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Các địa phương thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng cơ sở. Sở VH, TT&DL đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hàng năm, tổ chức thành công các cuộc liên hoan, hội thi cấp tỉnh như liên hoan nghệ thuật quần chúng, liên hoan văn hóa các dân tộc... đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức và sáng tạo của quần chúng nhân dân. Qua đó góp phần đưa nhiều vốn văn hóa dân gian tiêu biểu từ trung du, miền biển đến các huyện miền núi xa xôi được khôi phục và phát huy hiệu quả như: Pôồn Pôông của người Mường, múa trống chiêng (dân tộc Thổ), cá sa sằng khàn (Thường Xuân, Như Xuân, Lang Chánh)...

Đến việc đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học

Để đưa nghệ thuật truyền thống gần hơn với cộng đồng, đặc biệt cho thế hệ trẻ, những năm qua, nhiều địa phương đã đưa vào truyền dạy cho các em ở trong trường học. Trường THCS Xuân Trường (Thọ Xuân) là một trong những điểm sáng đó. Thầy giáo Đỗ Viết Quế - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trò Xuân Phả được chính quyền địa phương đưa vào truyền dạy cho các em cách đây khoảng 6 năm. Cái thuận lợi nhất là vẫn còn nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề. Chính họ là những người không chỉ thổi hồn trong từng tích trò mà còn nuôi dưỡng tâm hồn các em, dạy cho các em biết yêu, trân trọng di sản văn hóa truyền thống của cha ông để lại”.

Việc truyền dạy đưa các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh (Đông Sơn) cũng đã được đưa vào trường tiểu học và THCS từ những năm 2008, 2009 trong tiết thể dục giữa giờ và ngoại khóa. Hiện Trường TH&THCS vẫn duy trì được CLB gồm 12 em. Và ngay trên đất chèo Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa, một số làn điệu chèo cũng đã được địa phương quan tâm đưa vào các trường tiểu học và THCS. Nói như hiệu trưởng Trường Tiều học Hoằng Phượng Trịnh Hồng Khanh thì: Chèo từ xa xưa đến nay đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân xã Hoằng Phượng. Xã có hai làng: Phượng Mao và Vĩnh Gia thì đều có CLB chèo và bộ môn chèo đã lan tỏa trong nhân dân nhiều hơn nên cùng với các cô giáo âm nhạc, họ hướng dẫn cho con em mình đúng nhịp phách hơn...

Có thể thấy, đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học như một buổi sinh hoạt ngoại khóa bổ ích không chỉ giúp công tác giáo dục trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Nó còn là nhịp cầu tạo sự gắn bó, gần gũi giữa những người đam mê nghệ thuật truyền thống với lớp trẻ. Qua mỗi chương trình, học sinh có thể dần hình thành thói quen tìm hiểu và quan tâm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi những nét văn hóa này nếu không được thế hệ trẻ yêu mến và gìn giữ thì sẽ sớm bị mai một.


Trung Hiếu

Nguồn: vanhoadoisong.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gian-nan-bao-ton-nghe-thuat-truyen-thong-nhung-no-luc-da-duoc-den-dap-a10410.html