Tràn lan gameshow trẻ em: Mượn cảm xúc cho… tiếng cười người lớn

Không đợi đến mùa hè các chương trình giải trí, gameshow cho thiếu nhi mới diễn ra. Trên truyền hình hiện nay suốt năm hàng chục chương trình gameshow có trẻ em tham gia vẫn lần lượt lên sóng. Nào là Biệt tài tí hon; Siêu hài nhí; Thần tượng tương lai; Người hung tí hon; Sinh ra để tỏa sáng…


Chương trình nào cũng có mục đích tìm kiếm tài năng, tạo sân chơi, nơi tỏa sáng cho các tài năng nhí... Nhưng hầu hết các chương trình vẫn không thoát khỏi một “mô típ”: Người lớn đang nhào nặn, biến các em thành "công cụ" kiếm tiền.

Trong lúc gameshow dành cho người lớn đang bão hòa thì các chương trình có yếu tố thiếu nhi lại nở rộ. NSX đang chuyển sang “mảnh đất” màu mỡ, khai thác triệt để nguồn lợi này. Câu chuyện người lớn lợi dụng trẻ em để kiếm tiền không còn là vấn đề mới. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh vẫn không nhận ra tác hại của việc đẩy con vào “sân chơi” này. Đằng sau việc vắt kiệt sức lao động, đánh cắp sự hồn nhiên của trẻ em, là những hậu quả không hề nhỏ. Việc BTC, truyền thông “hào phóng” phong danh nào là thần đồng, thánh nói, thánh hài… đang khiến các em mà cả các phụ huynh ảo tưởng về tài năng của các em.

Vấn đề đáng nói, các cuộc thi, chương trình gameshow dành cho thiếu nhi hiện nay lại hoàn toàn phục vụ cho người lớn. Bởi các tiết mục, tiểu phẩm phần lớn đều được các huấn luyện viên hướng đến đối tượng là người lớn. Không ít lần khán giả xót xa khi nhìn thấy các “thần đồng nhí” phải gồng mình trong các phần thi để làm người lớn hài lòng. Một cô bé 4 tuổi phải vào vai chanh chua đanh đá, hay vai một người vợ từng trải. Người xem ngỡ ngàng trước một cô bé 4 tuổi dùng lời nói, biểu cảm và hành động cơ thể như một người lớn và thốt lên câu nói: “Cả đời em hầu chồng, dạy con giờ em nuôi cháu”!

Tiết mục của thí sinh trong Tuyệt đỉnh tranh tài nhí vừa kết thúc, huấn luyện viên Đại Nghĩa đã dùng đủ mọi “chiêu” để dụ thí sinh về đội mình. Không quên những câu tâng bốc thí sinh của mình “giọng hát của em như cô gái 18 mà nội lực của một bà lão 80… (!?). Một câu khen mà chính bản thân anh cũng không thể hiểu được nghĩa.

Ở không ít chương trình, các huấn luyện viên “làm hề” khiến người xem cũng phải lắc đầu: nào là bái phục, vái lạy, thậm chí dùng mọi cách để lôi kéo các em về đội của mình. Ai cũng hiểu đây là chiêu thức mà các chương trình gameshow áp dụng để thu hút khán giả. Thế nhưng việc tâng bốc quá đà lại tạo ra sự phản cảm cho người xem. Mà bản thân các nghệ sĩ trong vai trò huấn luyện viên, ban giám khảo đang góp phần làm nên sự “bát nháo” này.

Thành ra, các mục đích và ý nghĩa của các chương trình gameshow đều chệch hướng. Từ sự giản dị, đơn giản ban đầu, càng vào sâu bên trong các em dần bị “nhào nặn” cho vừa khuôn mà người lớn đã tạo sẵn. Từ đó việc bắt chước, thậm chí mượn cảm xúc của người lớn để tạo tiếng cười, thỏa mãn sự tò mò của chính người lớn. Điều mà bất cứ thí sinh nhí nào khi tham gia chương trình bắt buộc phải trải qua.




Một thí sinh 4 tuổi phải gồng mình để “mua vui” cho khán giả.

Những bài hát vượt lứa tuổi, những câu thoại ngoài khả năng để hiểu… vẫn vô tư được các em trình diễn. Sau đó, các giám khảo, các nghệ sĩ vỗ tay, dành cơn mưa lời khen trên trời, ra sức chèo kéo… Điều này tạo tâm lý cho các em tưởng mình là nhất, là giỏi. Chính vì vậy mà những giọt nước mắt giàn dụa, sự thất vọng trên gương mặt các em khi bị loại ở vòng trong mới là điều đáng nói. Thậm chí, cuộc tranh cãi, đấu khẩu nhau của người lớn khi họ tranh luận, bênh vực cho các thí sinh sau mỗi cuộc thi. Những câu chửi rủa, kèm theo là những lời lăng mạ các em…vô tình tạo sự tổn thương tâm lý cho chính các em và gia đình.

Thạc sĩ tâm lý Thanh Tâm cho rằng: “Gameshow truyền hình đang biến các em thành trò tiêu khiển. Trong đó, phụ huynh chính là những người chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc đưa con bước vào con đường này. Ở đó, có thể các em được tung hô, tài năng các em được bộc lộ… Nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện dài. Không chỉ tuổi thơ các em bị đảo lộn, tâm lý dễ bị tổn thương mà chính cách người lớn tung hô đang khiến các em ảo tưởng nghĩ mình là nhất. Tâm lý này sẽ rất nguy hiểm khi các em trở về cuộc sống thường ngày. Tài năng có thể bị “triệt” ngay từ khi mới bắt đầu rất có thể xảy ra nếu không được ươm mầm đúng cách”.

Ở lứa tuổi mà các em vẫn cần phải chăm sóc và lớn lên trong sự yêu thương, che chở và hồn nhiên lớn lên. Thế nhưng trong thời đại gameshow điều này trở nên xa xỉ bởi các em bị đẩy vào nơi “hỗn loạn” của lợi nhuận và tiếng tăm. “Không xót xa sao được khi những cô, cậu bé chỉ từ 3-5 tuổi lại phải nhảy nhót, uốn éo, nói còn chưa rõ nhưng cố gắng cho xong một tiểu phẩm để gây cười cho người lớn? Bao nhiêu trong số hàng ngàn phụ huynh đăng kí cho con tham gia gameshow chỉ để con vui chơi, học hỏi? Và ai trong số các quán quân, thần tượng nhí ấy có thể chối từ các cuộc chạy sô kiếm tiền trong khi còn đang hot?”. Câu hỏi của khán giả Thanh Vy cũng là điều băn khoăn của không ít người xem truyền hình hiện nay. Trong khi chính các giám khảo, huấn luyện viên lại nhầm lẫn giữa việc bắt chước, học theo… của các em là tài năng để tung hô, để tạo ra sự ngộ nhận và áp lực không đáng có này…


Mai Linh

Nguồn: Báo Văn Hóa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tran-lan-gameshow-tre-em-muon-cam-xuc-cho-tieng-cuoi-nguoi-lon-a10295.html