Sự “thân tình” đó, thể hiện rất rõ trong các hoa văn trên di tích triều Nguyễn. Và trong rất nhiều loại hoa văn, hình tượng hoa cúc khiến người ta ngộ ra nhiều ý nghĩa đến sững sờ về cuộc sống, về đạo, về đời khi chiêm ngưỡng.
Hoa cúc ở điện Thái Hòa.
Biểu tượng của sức mạnh trường tồn
Trên mái điện Thái Hòa, các biểu tượng trang trí trên ô hoa văn thông thường là đồ vật và thực vật. Bờ nóc điện gồm 25 ô, chủ đề trang trí các bức họa của các ô là bát bửu Nho giáo kết hợp với 2 loài hoa mẫu đơn và hoa cúc. Hoa cúc được biểu thị như ước nguyện về sự trường tồn, bền bỉ và là niềm vui, sự viên mãn, an khang. Trang trí hoa cúc trên điện Thái Hòa, là mong muốn về sự trường tồn và sức mạnh của một thể chế.
Không chỉ ở điện Thái Hòa, du khách có thể bắt gặp hình tượng hoa cúc trong các motip trang trí ở điện Long An, điện Cần Chánh và nhiều công trình khác. Trang trí hình tượng hoa cúc thường ở vị trí thấp hơn các vì nóc. Trên tám phiến gỗ dày ở vi trần thừa lưu điện Long An, hình tượng hoa cúc cách điệu được chạm khắc hai mặt rất sống động. Hoa cúc chiếm gần như toàn bộ diện tích các phiến gỗ khá lớn trên cao, kỹ thuật chạm lọng, thủng, sâu, chen chạm nổi thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Các chi tiết cánh hoa, nhụy và đài hoa được kiểu thức hóa và tạo khối, khiến cho hoa lá có dáng vẻ khỏe khoắn, song lại mềm mại, phóng khoáng lạ thường.
Khi bắt gặp hoa cúc ở đây, du khách dễ liên tưởng đến cặp hình tượng nối kết Thiên – Nhân. Hoa cúc đại diện cho mùa thu (tháng 9 cúc nguyệt). Trong quan niệm dân gian, mùa thu là mùa giao hòa giữa hạ và đông, thời tiết mát mẻ, đất trời thuận hòa, mùa của thu hoạch lúa và hoa màu. Hoa cúc có màu vàng rực rỡ thuộc hành thổ, biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý. Thêm nữa, hoa cúc thường nở muộn, không muốn tranh đua với các loài hoa xuân, đó là phẩm cách quân tử cam chịu cô đơn, khinh thường thế tục, không màng vinh hoa. Dưới thời Nguyễn, hoa cúc được xem là “thiên hạ vô song phẩm/ nhân gian đệ nhất hương” (thơ vịnh về hoa bốn mùa trên nóc điện Khải Thành, lăng Khải Định).
Mô típ trang trí ở điện Long An.
Chứng ngộ lẽ vô thường
Sách “Hoa văn cung đình Huế” đăng tải hình ảnh bộ sưu tập các bản in, bản vẽ, các bức họa của nghệ thuật điêu khắc trang trí cổ truyền Việt Nam do học giả L.Cadière thực hiện đã dành nhiều trang cho hoa cúc. L.Cadière lưu ý, xem hoa văn trên di tích Huế phải biết đến bộ “tứ thời” của trang trí hoa lá trên di tích Huế là “mai, liên, cúc, trúc”: mai tượng trưng cho mùa xuân, liên (sen) mùa hạ, cúc mùa thu, trúc mùa đông. Trong các họa tiết trang trí hoa lá, rất thường có sự biến đổi về cây cỏ: đào (hoặc mận) hóa phụng, trúc (hoặc tùng) hoá long, lan hóa rồng và cúc hóa kỳ lân.
Hai dải hoa cúc trên chiếc khánh ở chùa Thiên Mụ.
Những tưởng tượng của các nghệ nhân xưa đã khiến thảo mộc có thể kết hợp với những linh vật huyền bí. Nhiều khi cùng trên một cành cây, lá của nhiều loài được trưng dụng để mô tả: “một cành ở gốc sẽ có những lá cúc dài, sau đó sẽ có những lá ngắn hơn và tròn hơn lá cây mẫu đơn, và mang ở mút tận cùng những hoa mận” (L.Cadière). Sâu thẳm trong tư tưởng dân gian, lẽ biến đổi của thiên nhiên là vô cùng, và con người trong cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên cần nhận chân điều đó.
Một chiều nắng vàng lên thăm chùa Thiên Mụ. Ở trên chiếc khánh đồng, du khách chiêm ngắm hai dải hoa dây cúc uốn lượn nhịp nhàng hình "sin" khắp hai diềm ngoài của chiếc khánh. Hoa cúc viền quanh chiếc khánh như thể bay theo tiếng gió chiều, và trong phút giây bất chợt, nhận ra chiếc khánh ở đây như có màu thiền của chứng ngộ về lẽ vô thường…
Hồ Hoàng Thảo - Ảnh: Bảo Minh