Người giữ hồn cồng chiêng ngân mãi

26 thành viên của Đội cồng chiêng xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) như 26 nốt nhạc trong bản giao hòa ngân vang bất tận của núi rừng Nam Tây Nguyên. Những nhịp điệu ấy đủ sức đưa người nghe đong đưa theo tiếng trống, cồng ba, chiêng sáu... Và, gần 20 năm qua, nghệ nhân K’Brẻo (57 tuổi, ngụ thôn 3, xã Lộc Tân) được xem là người “nhạc trưởng” tận tụy của đội.

Chúng tôi về xã Lộc Tân đúng dịp Đội cồng chiêng của xã đang tập luyện để chuẩn bị cho đêm biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Lâm Đồng lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Bảo Lâm. Trong quá trình tập luyện của đội, ông K’Brẻo là người tất bật nhất, lo từ trang phục đến nhạc cụ để buổi biểu diễn cồng chiêng Châu Mạ chảy trong mỗi người.
 



Nghệ nhân K’Brẻo với bộ cồng chiêng sáu mà ông xem là tài sản vô giá của người Châu Mạ. Ảnh: K.P.

Xứng danh “nhạc trưởng”
 
Ông K’Brẻo sinh ra và lớn lên với nhiều kỷ niệm với vùng đất Lộc Tân được bao bọc bởi ngọn núi B’Nom Lu Mu và giọt nước mát lành từ dòng suối B2 và Đạ Cọ nuôi dưỡng nên người. Từ thuở nhỏ, K’Brẻo đã có niềm đam mê với những nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Châu Mạ. Trong làng, mỗi khi có lễ hội, lễ cúng… với những âm thanh ngân vang của tiếng cồng, tiếng chiêng, người ta lại thấy ông. Chính niềm đam mê ấy giúp K’Brẻo dần dần chinh phục và sử dụng thành thạo hết dàn chiêng sáu khi ông mới 19 tuổi. Một thời gian sau đó, K’Rẻo đã sử dụng thành thạo và đủ khả năng biểu diễn tất cả nhạc cụ trong dàn cồng chiêng của người dân tộc Mạ (trống, chiêng sáu, cồng ba...). Bị thuyết phục bởi tố chất cồng chiêng của nghệ nhân K’Brẻo, những người yêu cồng chiêng ở xã Lộc Tân đã chọn ông làm đội trưởng khi ông mới ngoài 30 tuổi. Và gần 20 năm qua, ông K’Brẻo luôn phát huy tốt vai trò “nhạc trưởng” của Đội cồng chiêng xã Lộc Tân trong việc gìn giữ, quảng bá hình ảnh, bản sắc của người dân tộc Mạ đến với bạn bè trên mọi miền đất nước.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông K’Brẻo cho biết, Đội trưởng đội cồng chiêng đòi hỏi rất nhiều yếu tố, mà trước hết phải là người có uy tín trong làng. Có như vậy, ông mới đủ sức vận động được người dân tham gia vào đội cồng chiêng. Ở Lộc Tân, nhiều người dù có khả năng biểu diễn cồng chiêng, nhưng không mặn mà với việc gia nhập đội, vì họ cho rằng vừa không có thu nhập, lại tốn thời gian, nhưng sau khi được ông K’Brẻo thuyết phục, họ đã đồng ý. “Lớp trẻ bây giờ khác xưa nhiều lắm, chúng đã vô tình lãng quên những bản sắc văn hóa của cha ông. Để thuyết phục những người trẻ tuổi gia nhập Đội cồng chiêng quả nhiều khó khăn, mình nói một lần họ không nghe, thì mình đến thuyết phục nhiều lần. Nói sao cho mọi người hiểu, tiền bạc quan trọng, nhưng bản sắc của dân tộc mình là tài sản vô giá cần phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy” - ông K’Brẻo tâm sự.
 
 Về năng khiếu, người “nhạc trưởng” như ông K’Brẻo phải là người chơi được tất cả các loại nhạc cụ trong dàn cồng chiêng, cũng như hiểu hết tất cả từng âm thanh mỗi khi cất lên. Hiện nay, trong dàn cồng chiêng của người Mạ ở Lâm Đồng có tất cả 6 chiếc chiêng và được đánh bằng tay, đó cũng là sự khác biệt với những dàn cồng chiêng của các DTTS khác. “Trong dàn cồng chiêng của người Mạ, tiếng trống là sự khởi đầu của cả dàn cồng chiêng mỗi khi ra sân khấu. Trong 6 chiếc chiêng thì mỗi chiếc có một cách đánh khác nhau, chiêng sau tiếp nối âm thanh của chiêng trước và cứ thế ngân mãi mà không trùng lặp. Cùng với đó, khi biểu diễn, nghệ nhân cũng nhún nhảy theo nhịp chiêng để tạo không khí rộn ràng và hứng khởi” - ông K’Brẻo cho biết thêm.
 
Ông K’Nhiếp, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tân nhận xét: “Mỗi khi có chương trình biểu diễn, ông K’Brẻo đều hoàn thành chu đáo các thủ tục cần thiết. Khi Đội cồng chiêng đi biểu diễn ở xa, ông ấy luôn làm tròn vai đội trưởng và gương mẫu trong lối sống, điều đó đã giúp tiếng nói của K’Brẻo có trọng lượng với các thành viên trong đội và người dân đồng bào DTTS ở xã Lộc Tân”.
 
Vượt khó để trưởng thành
 
Nói về tuổi thơ của mình, nhiều lúc ông K’Brẻo cũng có chút ngậm ngùi vì sự gian truân, vất vả trong cuộc sống. Mẹ mất lúc ông mới lên 2 tuổi, còn cha đi thêm bước nữa nên K’Brẻo phải sống với ông bà ngoại từ nhỏ. Tuy thiếu thốn tình thương của cha mẹ, nhưng K’Brẻo vẫn là người chăm ngoan, học giỏi. Sau khi học hết cấp 3, K’Brẻo đã theo học y tá rồi về làm việc tại Trạm Y tế xã Lộc Tân từ năm 1976 - 1984. Ông K’Brẻo chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, tôi sống với ông bà ngoại và được thừa hưởng niềm đam mê cồng chiêng từ người cậu ruột. Ngày trước, trong dòng họ còn có rất nhiều người lớn tuổi biết chơi cồng chiêng, nên mỗi lần có lễ hội hay đình đám thì tôi đều tới xem và học đánh cồng chiêng từ đó. Lớn lên, tôi càng đam mê cồng chiêng hơn và thấu hiểu rất rõ những giá trị mà cồng chiêng đã và đang mang lại cho dân tộc mình nên quyết tìm cách để gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Vì thế, thời gian làm tại trạm y tế, tôi vẫn thường xuyên tham gia đội văn nghệ của xã và tìm cách tập hợp những người đam mê cồng chiêng để thành lập đội”.
 
Hiện nay, ông K’Brẻo không tự nhận mình là người có cuộc sống khá giả, nhưng nhờ chịu khó làm ăn, tài sản của gia đình ông cũng thuộc vào diện khá ở xã Lộc Tân, vì vậy, ông không còn bận tâm đến chuyện kinh tế mà tập trung vào việc phát triển Đội cồng chiêng của xã,  giúp các thế hệ đi sau gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa của người dân tộc Châu Mạ.
 



Đội cồng chiêng xã Lộc Tân biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa thể thao các xã vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: K.P.

Truyền lửa cho thế hệ trẻ
 
Điều tâm huyết nhất của K’Brẻo là xây dựng được đội ngũ kế cận cho Đội cồng chiêng xã Lộc Tân. Trong gia đình, ông K’Brẻo cũng đã hướng 3 người con trai và 1 người con rể gia nhập vào đội cồng chiêng. Hiện, cả 4 người con của ông đều đã chơi tốt trong dàn chiêng sáu của người Mạ. Ngoài 13 nghệ nhân chơi cồng chiêng trong đội, ông K’Brẻo đã cất công tìm được 13 người trẻ có đủ đam mê, khả năng và được ông truyền dạy các kỹ thuật đánh chiêng để từng bước thay thế các bậc đàn anh.
 
Anh K’Phông (18 tuổi, nghệ nhân trẻ trong Đội cồng chiêng xã Lộc Tân) chia sẻ: “Tôi theo học ông K’Brẻo đánh cồng chiêng từ lúc 10 tuổi. Học đánh cồng chiêng khó hơn các loại nhạc cụ hiện đại rất nhiều, nên buộc người học phải có niềm đam mê tuyệt đối. Nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình của ông K’Brẻo đã giúp tôi ngày một trưởng thành và trở thành nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Đội cồng chiêng xã Lộc Tân. Được tham gia các hoạt động biểu diễn, tôi thấy mình càng có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc Châu Mạ, mà đặc biệt là văn hóa cồng chiêng”.
 
Ngoài những lần biểu diễn ở các ngày hội do địa phương (huyện và tỉnh) tổ chức, thời gian qua, Đội cồng chiêng do ông K’Brẻo phụ trách còn nhận lời mời đi biểu diễn tại Khu Du lịch thác Đam B’ri (TP Bảo Lộc), Khu Du lịch Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh) và Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội)... Vì vậy, theo cách tính linh hoạt của ông K’Brẻo, Đội cồng chiêng xã Lộc Tân có thể biểu diễn từ 50 - 55 lần/năm. Trong những lần lên sân khấu như vậy, ông K’Brẻo sẽ sử dụng xen kẽ những người cũ và những người mới. Điều đó giúp nghệ nhân trẻ có thời gian để trưởng thành và từng bước tự tin thể hiện mình trước công chúng. “Một nghệ nhân vừa có thể biểu diễn nhạc cụ, vừa nhảy đúng theo nhịp điệu của dàn cồng chiêng phải mất nhiều thời gian và không phải ai cũng có thể làm được. Với cách làm như hiện nay, tôi tin rằng Đội cồng chiêng xã Lộc Tân sẽ còn phát triển trong việc quảng bá bản sắc văn hóa của người dân tộc Châu Mạ đến công chúng trong và ngoài nước. Yếu tố đầu tiên của một nghệ nhân chơi cồng chiêng là đam mê nhạc cụ truyền thống và tự tin trên sân khấu. Người có năng khiếu thì học nhanh hơn người bình thường, nhưng người không có sự đam mê và khả năng đứng trước đám đông thì không thể theo đuổi được việc tập luyện và gần như không thể phối hợp với các thành viên khác khi biểu diễn” - ông K’Brẻo cho hay.
 
Ông Nguyễn Văn Cư, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Bảo Lâm cho biết: “Nghệ nhân K’Brẻo là người góp công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Đội cồng chiêng dân tộc Châu Mạ ở xã Lộc Tân. Ông K’Brẻo thể hiện sự nhiệt tình và đầy trách nhiệm trong quản lý đội. Hiện, toàn huyện Bảo Lâm đang có hơn 30 đội cồng chiêng của người đồng bào DTTS bản địa Châu Mạ và K’Ho. Nhưng nhiều năm qua, chúng tôi rất yên tâm lựa chọn Đội cồng chiêng xã Lộc Tân tham gia biểu diễn ở các chương trình lễ hội do huyện, tỉnh và trung ương tổ chức. Bằng những đóng góp của ông K’Brẻo trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa cồng chiêng của người Mạ, chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá để công nhận nghệ nhân ưu tú cho ông K’Brẻo”.
 
Trước khi chúng tôi rời xã Lộc Tân, ông K’Rẻo đã giới thiệu bộ cồng chiêng sáu mà ông luôn cất giữ cẩn thận trong nhà và với ông cồng chiêng này gần như là vô giá.
 

Khánh Phúc

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguoi-giu-hon-cong-chieng-ngan-mai-a10266.html