NSND Anh Tú: Chưa cầm súng chiến đấu, nhưng vẫn ngấm chất lính

Chưa từng trực tiếp ở chiến trường, nhưng NSND Anh Tú luôn được tin tưởng giao dựng các vở diễn đề tài cách mạng.



Chưa từng trực tiếp ở chiến trường, nhưng NSND Anh Tú luôn được tin tưởng giao dựng các vở diễn đề tài cách mạng. Trong ảnh là một phân cảnh trong vở Bão tố Trường Sơn. (Ảnh: NHKVN)

Nhà hát Kịch Việt Nam vừa chính thức công diễn vở diễn với đề tài chiến tranh cách mạng mang tên Bão tố Trường Sơn. Một lần nữa, NSND Anh Tú tiếp tục được tin tưởng giao nhiệm vụ đạo diễn và dàn dựng. Anh đã có những chia sẻ với Báo Giao thông về vở diễn này.

Mỗi vở diễn luôn có một thông điệp riêng muốn truyền tải. Với “Bão tố Trường Sơn”, anh muốn truyền tải điều gì?

Vở diễn hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ. Những chiến thắng của chúng ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ là nỗ lực rất lớn của cả dân tộc. Để có được điều này, biết bao người đã phải nằm xuống. Thế nhưng, tôi nhận thấy thế hệ trẻ hiện nay mất hẳn nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Chúng tôi muốn làm cầu nối để các bạn trẻ hiểu hơn về chiến tranh, giải phóng dân tộc.

Vì tiêu chí vinh quang ấy, chúng tôi thấy đề tài chiến tranh cách mạng luôn hấp dẫn và cần phải làm. Nếu mình làm tốt, lượng xem cũng tốt bởi ai cũng thích xem, không chỉ là những người làm quân đội hay người có người thân tham gia vào cuộc chiến. Năm 2015, tôi làm vở “Biệt đội báo đen” cũng có phản hồi khá tốt. Vở diễn nói về việc ngay trong xã hội vẫn còn nhiều thói xấu, nhiều kẻ xấu. Những cái xấu cứ ăn mòn và phát triển mãi về hậu chiến, khi những kẻ xấu có cơ hội luồn lọt, chui rúc, bợ đỡ và lên cao.

Khi đọc chùm truyện ngắn của nhà viết kịch Trương Minh Phương, tôi rất thích vở “Bão tố Trường Sơn”. Từ những biến cố qua tình yêu của đôi Diễm Lệ và Vũ Bông, tác giả đã xâu chuỗi thành câu chuyện đến tận sau này. Chiến tranh đã đi qua nhưng bão tố vẫn còn đầy trong lòng mỗi con người, trong cuộc sống của họ. Những bà mẹ đã dâng hiến cho Tổ quốc những đứa con của mình, những thù hận của con người, những chất độc màu da cam ảnh hưởng mãi tới các thế hệ về sau… Cuối cùng, thông điệp gửi gắm là phải biết cư xử cho đúng, hãy tha thứ cho nhau để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Anh có gặp nhiều áp lực khi thực hiện vở diễn này?

Tôi chỉ có một áp lực lớn nhất và duy nhất là làm sao để vở diễn lần này phải hay hơn vở trước. Vở nào tôi cũng muốn hấp dẫn, hay, lay động lòng người và đông khán giả. “Bão tố Trường Sơn” cũng không ngoại lệ.




NSND Anh Tú

Lựa chọn các diễn viên trẻ chưa từng trải qua sự tàn khốc của chiến tranh, anh làm sao để họ cảm nhận được vai diễn?

Mấu chốt trong các vở diễn với tôi vẫn là con người. Đã là con người thì luôn có mẫu số chung với những diễn biến tâm lý trước một biến cố. Tuy tôi không trải qua sự khốc liệt của cuộc chiến đấu ở Trường Sơn, không trực tiếp cầm súng nhưng không biết từ lúc nào, tôi lại ngấm những điều ấy.

Có lẽ từ bé, tôi đã trải qua những ngày đi sơ tán bom đạn, thấy xác người, thấy bom rải thảm, hầm lõm bõm nước. Tôi cũng ngấm qua những kênh khác như văn học, nhạc, hội họa, phim ảnh, những phóng sự… Tôi chưa làm nhiều vở về chiến tranh nhưng làm vở nào cũng thành công. Mọi người nói, tôi tuy chưa cầm súng chiến đấu nhiều nhưng lại ngấm chất lính. Tôi nghĩ đó cũng là một cái trời cho. Và tôi phải dùng mọi thủ pháp để truyền lại những thứ mình đã ngấm ấy cho các bạn trẻ.

Vai diễn Lê Ái có thể coi là yếu tố thu hút bởi sự dí dỏm, tươi sáng. Lý do gì khiến anh lựa chọn nghệ sĩ Xuân Bắc cho vai Lê Ái?

Tôi đã nghĩ tới Xuân Bắc đầu tiên khi đọc kịch bản “Bão tố Trường Sơn”. Trong những vở trước, tôi đều giao cho Xuân Bắc những vai chính kịch. Khi đọc kịch bản “Bão tố Trường Sơn” thấy vai Lê Ái, tôi đã nói luôn với Bắc là lần này cho Bắc hiện nguyên hình, tha hồ tung tẩy để làm duyên dáng, nhẹ nhõm cho vở diễn.

Chứ không phải vì một vở diễn luôn cần ngôi sao phòng vé sao?

Khán giả Việt có lẽ thích các ngôi sao trong ca nhạc hơn, còn trong kịch và phim có ngôi sao mà diễn thì họ cũng đứng dậy bỏ về. Ngôi sao ca sĩ mà hát dở, khán giả có thể cố ngồi nghe hết bài hát vì chỉ 4-5 phút, nhưng kịch dài 2 tiếng đồng hồ, họ không thể chờ được. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến yếu tố ngôi sao trong các vở diễn của mình, mà chỉ nghĩ phân vai thế nào cho hợp thôi. Sau đó, tôi sẽ cùng diễn viên cố gắng xây dựng thành công hình tượng nhân vật trong vở diễn đó.

Từng dựng một số vở diễn đề tài chiến tranh cách mạng, với anh, điều gì là quan trọng nhất khi thực hiện các vở đề tài này?

Điều quan trọng nhất trong các vở diễn của chúng tôi là thân phận con người trong bối cảnh chiến tranh. Tôi khai thác và nhấn vào những điểm đó vì nó rất hợp lý, hợp tình, mang tính thời đại đến tận bây giờ.

Còn việc luôn lựa chọn các diễn viên trẻ để "cân" vở kịch, có lý do nào đặc biệt không, thưa anh?

Rất đơn giản, vì đó là những vai kịch trẻ. Họ từ 18-20 tuổi, rất hào hứng, nhiệt tình. Nếu bây giờ lấy một diễn viên 50 tuổi đóng vai trẻ, tôi e không hợp. Còn diễn viên trẻ có thể đóng tốt vai diễn hợp tuổi mình, khi về già có thể diễn hơi non một chút nhưng chấp nhận được. Còn già mà “cưa sừng làm nghé” thì không ổn. (Cười)

Xin cảm ơn anh!


Hoàng Anh

Nguồn: Báo Giao Thông

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nsnd-anh-tu-chua-cam-sung-chien-dau-nhung-van-ngam-chat-linh-a10254.html