Bài 3: Nghi lễ hầu đồng và niềm tin tâm linh

Trước thời điểm UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản phi vật thể thì tín ngưỡng thờ Mẫu luôn ở trong tâm thức của người Việt. Và cũng từ trước đó, câu hỏi về sự chuẩn mực cho Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã khiến các nhà nghiên cứu và quản lý đau đầu.

Thực hành thờ Mẫu Tam Phủ đã và đang bị hiểu sai lệch dẫn đến biến tướng, vì rất nhiều quan niệm tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ là lên đồng, hầu đồng. Trong khi, cái cốt lõi nhất chính là tinh thần thờ Mẫu - Mẹ, truyền thống tôn vinh đấng sinh thành. Và nói đến tín ngưỡng là nói đến nhân vật được thờ, ở đây là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết dân gian, bà Liễu Hạnh có 3 kiếp đời là: Tiên, Phật và người. Qua sự sáng tạo của các nhà nho, câu chuyện về bà Liễu Hạnh càng ngày càng trở nên thiêng liêng, huyền bí, bà trở thành vị thánh trong “Tứ bất tử” của Việt Nam. Và trong việc thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh mà rất nhiều đền, đình thực hành qua nhiều nghi thức như: hầu đồng, rước Mẫu thỉnh kinh, rước đuốc, Hoa trương hội (nghi lễ cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an)…

Một trong những nghi thức đặc sắc đó là hầu  đồng. Cụ thể hơn, hầu đồng chính là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh vào thân xác các ông đồng, bà đồng. Trong mỗi giá đồng, các vị Thánh khác nhau sẽ nhập vào ông đồng hay bà đồng (gọi là giáng đồng) để làm việc quan, thể hiện ở chỗ các ông đồng, bà đồng làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền trong tiếng hát văn và nhạc cung văn. Về nghi thức, trước khi hầu ông Đồng thường phải thông qua người chủ đền để làm lễ cúng chúng sinh và lễ Thánh. Trong nghi thức Hầu bóng (Hầu đồng) thường các vị Thánh nhập hồn bao giờ cũng là các vị Thánh làm những điều tốt lành, phù hộ cho ông Đồng, bà Đồng và các con nhang, đệ tử làm ăn may mắn, chữa khỏi bệnh tật, trừ được rủi ro… Bởi lẽ các vị Thánh đó lúc sinh thời đều là những người tài giỏi, đạo cao, đức trọng và có vị trí cao trong xã hội đã từng có công với nước, với dân.


Hầu đồng ở đền Cô Bơ - Ba Bông.

Với niềm tin tín ngưỡng ấy, vào những dịp đầu năm, từ đền Sòng đến đền Cô Bơ, ngoài “con nhang đệ tử” thì cũng rất nhiều người dân đến thực hành các nghi lễ thờ Mẫu. Và đền Sòng không chỉ là địa chỉ của người dân Thanh Hóa mà thu hút đông đảo du khách thập phương, nhất là vào mùa lễ hội. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên phạm vi cả nước có khoảng 7.000 đền, phủ (chưa kể các điện thờ tư nhân) liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đó, có hơn 400 nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh. Đây là một con số ước lượng, tuy nhiên thực tế nơi thờ tự mẫu Liễu Hạnh tính cả điện Mẫu sau chùa hay ở một số đền, đình thì con số có thể còn lớn hơn rất nhiều. Tuy vậy, không phải nơi nào cũng được xem là nơi Thánh Mẫu hiển thánh. Một trong những địa danh được tin là nơi Mẫu Liễu Hạnh đã hiển thánh ngoài Phủ Giầy, Phủ Tây Hồ thì còn có đền Sòng ở Thanh Hóa – đền được mệnh danh là “thiêng nhất xứ Thanh”.



Hầu giá Cô Bơ.

NSND Mai Tư cho rằng: “Nhiều người quan niệm và lên tiếng hầu đồng là mê tín dị đoan nhưng tôi coi đó là nghệ thuật cao về tâm linh, nghệ thuật dân ca dân vũ. Kể cả cái lắc nhảy hú trong hầu đồng cũng là những trình thức nghệ thuật. Nếu đứng ở góc độ văn hóa thì sẽ thấy những giá trị lớn của hầu đồng. Đây thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... từ đó đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái thăng hoa. Thông qua nghi lễ này, con người hi vọng sẽ giao tiếp được với các đấng thần linh nhằm gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình”.

Và cho đến nay vẫn chưa có bộ quy chuẩn, quy tắc riêng cho việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Theo GS Nguyễn Chí Bền: Những gì thuộc về văn hóa tín ngưỡng dân gian thì chắc chắn sẽ có những dị bản, biến thể và có sự khác biệt giữa các địa phương, thậm chí có sự khác nhau giữa các phủ trong cùng một địa phương. Ngay cả về số lượng giá đồng, nhiều nơi cho rằng có 36 giá, có người lại quan niệm là 64 giá, thậm chí là 72 giá…


 
Hầu giá Cô Chín.

Theo một người chuyên hầu giá đồng (quê Hoằng Hóa – Thanh Hóa), để thực hiện được một buổi hầu đồng, trước tiên, ông/bà đồng phải chọn ngày lành tháng tốt, báo trước với đồng đền và mời bạn bè là các con nhang, đệ tử, người thân cùng có lòng tin vào thánh tới dự. Tiếp theo, họ mời người hầu dâng (người giúp việc) và cung văn phục vụ cho buổi lên đồng. Công việc chuẩn bị các vật lễ dâng cúng cũng tốn nhiều tiền của và thời gian. Ông/bà đồng phải chuẩn bị một bữa cơm cúng và thết đãi những người đến dự buổi lên đồng. Lễ vật dâng cúng tùy theo điều kiện của từng thầy đồng nhưng nhìn chung là khá tốn kém, bao gồm: lễ trình đồng, lễ hầu bản mệnh, các tiệc khao, rượu, thuốc, bánh kẹo, hoa quả, các đồ trang phục, trang sức dùng trong các giá hầu. Sau khi hầu xong mỗi giá, ông/bà đồng thường dùng các đồ cúng này cùng với tiền để ban phát lộc cho mọi người cùng dự. Toàn bộ tiền lễ nhang, trang phục, hầu giá và trang trải suốt buổi hầu đồng thường do các con nhang đóng góp, giá đồng của những con nhang nghèo, ít tiền khoảng một vài chục triệu; giá đồng của con nhang, đệ tử lắm tiền nhiều của lên tới cả trăm triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng.

Qua lên đồng, con người tự thanh lọc những xấu xa trong tâm hồn, khiến họ thấy thanh thản. Lên đồng cũng gây ra ảo giác như được thay đổi thân phận, như xóa nhòa được bất công trong xã hội, được mọi người kính nể. Chính cái niềm tin tâm linh ấy, khiến hầu đồng dễ bị lợi dụng thậm chí đã biến tướng. Bởi tín ngưỡng thờ Mẫu luôn là hiện tượng đi giữa hai "lực": một bên là quá khứ với các vị thánh, một bên là thái độ hiện tại của người dân đẩy nó lên.

Nhưng cũng chính điều đó mà hầu đồng có ma lực hấp dẫn riêng.

Chi Anh

Nguồn: vanhoadoisong.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bai-3-nghi-le-hau-dong-va-niem-tin-tam-linh-a10243.html