Sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng Việt - Chăm pa qua tục thờ Mẫu

Xứ Thanh xưa, Thanh Hóa nay nằm ở vị trí mở, nơi giao thương với các vùng miền trong nước và quốc tế. Chính đặc điểm địa chính trị - lịch sử - văn hóa đã hình thành nên những mảng màu tổng quát của bức tranh tôn giáo, tín ngưỡng cả nước nhưng vẫn có nét riêng mang tính bản địa độc đáo tỉnh Thanh.

Xứ Thanh là miền đất của “tam vương, nhị chúa”, qua các cuộc “Nam tiến” các vương triều phong kiến Việt Nam, trong đó Thanh Hóa là đất “quý hương của các vua: Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông, Gia Long... đã từng có sự tiếp xúc rất sâu sắc với văn hoá, tôn giáo Chăm Pa. Chính sự kiện năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã cho vây thành Đồ Bàn (Bình Định), bắt sống vua Chăm là Trà Toàn và hơn 30.000 người bị bắt làm tù binh, nô tỳ cho quân Đại Việt đi thuyền trở về Thăng Long. Trong đám người ấy có một bộ phận là các nhạc công và kỹ nữ của Chăm Pa và trong số họ có những người được vua Lê Thánh Tông đã cho ở lại theo quan binh khai khẩn vùng đất duyên hải tỉnh Thanh để dựng làng, lập ấp cùng chung sống với người Việt. Cũng từ vùng đất duyên hải Quảng Xương này vào thời Lê Trung Hưng từng xuất hiện “Nội đạo Tràng” (Nội đạo chính tông) hay còn gọi là Đạo Đông. Đạo này là hình thức tín ngưỡng khá độc đáo phát tích từ Thanh Hóa. Chính Nội Đạo Tràng và Đạo Mẫu -Liễu Hạnh đã từng có sự xung đột và diễn ra “Trận chiến Sòng Sơn” để về sau, Mẫu Liễu đành phải quy y Phật.

Đầu thế kỷ XX, trong một cuộc khai quật khảo cổ học ở Lạch Trường, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nhà khảo cổ học người Thuỵ Điển Janse đã phát hiện ra cây đèn hình người và ông đã miêu tả rất rõ trong nhật ký khảo cổ: Bức tượng đồng chính là cây đèn được làm theo hình người quỳ gối. Hai vai và trên lưng có 3 cành chữ “S”. Mỗi nhánh chữ “S” này đỡ một bát đèn dầu. Mỗi một cành lại có một hình người hai tay ôm lấy ở phần cuối. Giữa mỗi cành lại có một hình người nhỏ đang quỳ. Tay của những hình người này đang chắp lại vái hướng vào nhau. Cử chỉ của hình người này cho thấy họ là những vũ công. Ngoài ra, trên chân của những tượng này có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ. Hai nhạc công là người thổi sáo và hai nhạc công khác đang chơi một loại nhạc cụ chưa rõ. Với hiện vật cổ độc đáo này, đặc biệt mô tả các nhạc công biểu diễn trên cây đèn phục vụ cho công việc tế lễ cho phép chúng tôi suy diễn: âm nhạc và vũ ca Chăm đã từng hướng tới tín ngưỡng của người Việt tỉnh Thanh xưa.

Rất có thể Đạo Mẫu là dòng tín ngưỡng du nhập từ Chăm pa vào Đại Việt, trải thời gian dần được Việt hóa. Sự giao lưu và tiếp biến đó mang tính quy luật của văn hoá, tín ngưỡng mà những người khi khai phá vùng đất mới đã tiếp cận và thẩm thấu, thông qua các vị thần linh sở tại - vùng đất mới để làm chỗ dựa tinh thần và nhân lên sức mạnh thiêng liêng phù trợ cho họ. Chính Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã tiếp nhận Bà Thiên Mụ áo đỏ của người Chăm trên đồi Hà Khê làm vị thần bảo vệ đất Thuận Hóa của Chúa và về sau khoác lên tục thờ Mẫu thần của người Chăm tấm áo đậm màu tín ngưỡng của người Việt.

Quan sát ở Đền Sòng (Bắc Sơn, TX Bỉm Sơn) đến nay vẫn thấy quá trình lên đồng không thể thiếu vắng dàn bát âm chầu văn, trong đó cung văn là vị trí quan trọng. Những người nghiên cứu về âm nhạc trong hầu bóng cho rằng lối hát chầu văn khi lên đồng là sự du nhập và biến thể lối hát “giàn” của người Chăm. Lối hát giàn này hiện vẫn duy trì trong các lễ hội của người Chăm ở Ninh Thuân, Bình Thuận. Khởi nguyên là sự du nhập nhạc chiêm Thành của các vua đời Lý - Trần, những khúc nhạc này lan truyền ra dân gian và áp dụng vào nhạc lễ của Đạo Mẫu. Về sau âm nhạc chầu văn được Việt hóa bằng những nhạc cụ có nguồn gốc Việt. Hiện nay dàn nhạc chầu văn có đầy đủ nhạc khí gồm có: một đàn nguyệt, một đàn nhị, một sáo, một trống lớn, một trống con, một cảnh đôi, một phách. So với dàn nhạc trong nghi thức hầu bóng của người Chăm gồm có: đàn Kanhi, trống Gi-năng, kèn Sa-rai-nai... nhưng giai điệu không hoàn toàn giống nhau, nhưng người dự lễ vẫn nhận ra có những cung bậc, giai điệu trầm bổng khá giống nhau, nhất là nhịp phách của bộ gõ.



Tín ngưỡng thờ Mẫu có sức thu hút rất lớn đối với cộng đồng.

Trong một không gian thiêng của nghi lễ lên đồng, bộ gõ với âm thanh rộn rã đã tạo nên một không khí phấn chấn cao độ, khiến người nhập đồng có cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị Thánh. Trạng thái tâm linh này không chỉ chi phối đồng cô, đồng cậu thăng thoát, phát lộ những khả năng tiềm ẩn mà còn tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến cả những con nhang, đệ tử tham dự dường như đắm chìm trong trạng thái ngất ngây, lên đồng tập thể trong âm thanh và màn múa mô tả cảnh vượt đại ngàn nơi Nhạc phủ hay động tác phe phẩy khăn đỏ nhịp nhàng như đang khua mái chèo nơi Thủy phủ ... mà những lúc ở trạng thái bình thường khó mà làm nổi. Nghi lễ lên đồng này không chỉ bắt gặp ở Sòng Sơn mà còn thấy ở cả đền phủ thờ mẫu khác ở tỉnh Thanh như: Phủ Na, Phủ Nưa, đền Cửa Đặt, đền Chín Giếng... Ngày nay, không khí náo nức và thăng hoa này vẫn hiện hữu tại lễ hội Ka-tê của người Chăm hàng năm tổ chức ở tháp Pô Kluang Garai (Tháp Chàm), Phan Rang. Lễ hội này bao giờ cũng kết thúc bằng điệu múa thiêng của bà đồng ở bên trong tháp kèm theo nhạc đệm tạo  cho nghi lễ hầu đồng vừa linh thiêng vừa hấp dẫn.

Không chỉ ảnh hưởng về lễ thức hầu bóng của người Chăm, trong các đền, phủ của Đạo Mẫu tỉnh Thanh thường bắt gặp ông Lốt đu mình, uốn lượn. Ông Lốt chính là hai con rắn quấn trên các xà, cột trong điện. Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng ảnh hưởng hình tượng rồng, một trong những “tứ linh” rất phổ biến của văn hóa, tôn giáo Trung Hoa trong ý thức hệ của các vương triều phong kiến Đại Việt, ngược lại, hình tượng rắn rất hiếm gặp mà chỉ được dân gian thờ phụng như một cứu cánh về nguồn nước cho mùa màng. Có người cho rằng ông Lốt chính là Thanh Xà và Bạch Xà trong chuyện thần thoại Trung Hoa. Nhưng ông Lốt đối với tôn giáo Trung Hoa thì ít đưa hình tượng rắn“yêu quái”để thờ. Ngược lại, rất nhiều khả năng ông Lốt đó chính là rắn thần Nagar của Bàlamôn giáo mà Phật giáo hay gọi là rồng. Hình tượng Rồng - rắn thần Nagar rất phổ biến trong điêu khắc rồng thời Lý, dễ bắt gặp hình tượng này trên bậc đá chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Văn Lộc, Hậu Lộc), hoặc hình rồng Lý - Trần trang trí trên ngói lá đề ở Đàn tế Nam Giao, Ly cung thời Hồ trên đất Vĩnh Lộc, Hà Trung. Trên các bức phù điêu của những tháp Chăm hiện diện rất nhiều hình ảnh rắn thần Nagar với những nét mỹ thuật khá trùng hợp với ông Lốt trong Đạo Mẫu của người Việt. Hình tượng này được người Chăm tiếp thu từ rắn thần của người Khơme. Người Khơme kể rằng: có một người Bà la môn tên là Kaudinya đi thuyền từ Ấn Độ hay Indonesia, đến vùng đất của người Khơme, chiến thắng một nữ vương có tên là Soma hoặc Nagini, con của vua rắn Naga và lấy người phụ nữ này làm vợ, sinh ra dòng dõi các vị vua. Trong các ngôi chùa Khơme, rắn Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma và bảo vệ đức Phật...

Giao lưu văn hóa, tín ngưỡng Việt - Chăm qua tục thờ Mẫu với những gợi mở trên là khảo nghiệm và giả định bước đầu để từng bước vén lên bức màn văn hóa, tín ngưỡng Chăm hiện hữu và tàng ẩn dồi dào trên đất tỉnh Thanh, qua đó để phần nào thấy rõ sự giao lưu và tiếp biến văn hóa, tôn giáo đã từng tồn tại trong lịch sử giữa hai dân tộc.


TS. Hoàng Minh Tường

Nguồn: vanhoadoisong.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/su-giao-thoa-van-hoa-tin-nguong-viet-cham-pa-qua-tuc-tho-mau-a10207.html