20/05/2017 17:05
20/05/2017 17:05
Mai Lượng: Danh tướng xuất sắc trong phong trào Cần Vương
Đồng chí Mai Xuân Tuyên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá cho biết: Vừa qua, xã Cao Quảng đã tiến hành xây dựng xong giai đoạn 1 công trình Nhà bia tưởng niệm Lãnh binh Mai Lượng tại vị trí chôn cất ban đầu. Hiện chính quyền và nhân dân xã Cao Quảng đang đề nghị cấp trên xét công nhận nơi đây trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh...
Theo nhiều tài liệu lịch sử, trong số những lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương yêu nước chống Pháp vào thế kỷ XIX ở Quảng Bình như Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Lê Mô Khởi, Đoàn Chí Tuân..., Lãnh binh Mai Lượng là một võ tướng có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào. Căn cứ chính của Lãnh binh Mai Lượng và nghĩa quân đóng ở vùng Cao Mại (xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá ngày nay), được bố phòng chặt chẽ có nơi luyện tập binh sĩ, xưởng đúc rèn vũ khí, gươm đao...
Mai Lượng sinh năm Mậu Tuất (1838) tại làng Thọ Linh, nay thuộc xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Từ nhỏ, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, được người anh ruột nuôi dạy và cho ăn học tử tế. Ông là người có tư chất thông minh và nghị lực phi thường. Năm 27 tuổi (năm 1865 dưới triều Tự Đức), Mai Lượng tham gia kỳ thi Hương võ và đỗ cử nhân võ, được triều đình Huế bổ sung vào quân đội, phong chức Hiệp quản.
Ngay từ những ngày đầu làm quan, Hiệp quản Mai Lượng đã tỏ rõ ý thức độc lập dân tộc. Ông thường phê phán những hành động yếu hèn, bất lực của phái chủ hòa, muốn đầu hàng giặc. Trước sự tấn công của giặc Pháp, triều đình Huế đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác.
Với việc ký hiệp ước Pate notre (6-6-1884), giai cấp phong kiến Việt Nam, triều đình Huế tự mình chấm dứt vai trò, vị trí trước dân tộc. Nhiều vị quan lại và sĩ phu yêu nước hết sức phẫn uất trước hành động đầu hàng và bán nước của triều đình, đã từ quan về quê trong đó có Hiệp quản Mai Lượng.
Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp, phong trào Cần Vương dấy lên sôi nổi, đặc biệt ở Quảng Bình. Cùng với Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Lê Mô Khởi, Đoàn Chí Tuân..., Mai Lượng đã tập hợp lực lượng, chiêu mộ dân binh, nghĩa dũng đánh giặc ở vùng hữu ngạn sông Gianh.
Người dân đến thắp hương tại Đền thờ Lãnh binh Mai Lượng.
Đội quân của lãnh binh Mai Lượng có hơn một ngàn người, được phiên chế tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ. Khu vực Trại Binh được bố trí gồm khu vực chỉ huy (được chọn ở một nơi địa hình khá bằng phẳng), ở giữa là doanh trại, xung quanh xây một bức tường thành bằng đá hộc, rộng 1 mét, cao khoảng 2 mét bao bọc với diện tích khoảng 1 ha. Quanh doanh trại chính còn có các đội được bố trí hợp lý để có sự bảo vệ và yểm trợ nhau tiến thủ liên hoàn.
Ngoài ra, để cảnh giới từ xa, lãnh binh Mai Lượng còn cho bố trí các trại chốt tại nhiều hướng... Nghĩa quân án ngự nhiều đường hiểm yếu bảo vệ cơ quan đầu não chỉ huy kháng chiến của vua Hàm Nghi. Nghĩa quân kiểm soát cả một vùng từ Cao Mại qua Hóa Sơn, Cổ Liêm, Ngọc Lâm, Minh Cầm, Khương Hà và xuống cả đồng bằng hạ lưu sông Gianh.
Căn cứ chính của nghĩa quân đóng ở Cao Mại, được bố phòng chặt chẽ có nơi luyện tập binh sĩ, xưởng đúc rèn vũ khí, gươm đao. Lãnh binh Mai Lượng cho quân sĩ phát nương làm rẫy có lương thực để chiến đấu lâu dài. Nghĩa quân thường sử dụng lối đánh du kích, khi xung trận rất dũng mãnh và mưu trí.
Cuối tháng 4-1887, giặc Pháp tập trung quân càn quét vùng Troóc và tiến đánh căn cứ của nghĩa quân Mai Lượng. Ông đã chỉ huy nghĩa quân dựa vào địa thế rừng núi, chống trả quyết liệt gây cho địch nhiều tổn thất. Tuy vậy quân địch quá mạnh, nghĩa quân phải phân tán thành toán nhỏ rút về hợp với quân của Tôn Thất Đàm ở Tuyên Hóa.
Cuối năm 1887, giặc Pháp tổ chức nhiều mũi đột kích với hỏa lực mạnh đánh vào căn cứ Nghĩa quân, nhưng chúng không thể chiếm được nơi đóng quân của nghĩa binh Mai Lượng. Tuy vậy, nghĩa quân vẫn bị tổn thất quá nhiều.
Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (1-1-1888), phong trào Cần Vương chống Pháp tại Quảng Bình gần như tan rã. Thời điểm đó, Tôn Thất Thiệp bị địch giết chết; Tôn Thất Đàm thoái chí giải tán Nghĩa quân, lên núi tự vẫn; Lê Trực thế cô giải tán nghĩa quân và ra hàng; Lê Mô Khởi bị bệnh nặng mà chết... Trước tình hình đó, nghĩa quân Mai Lượng vẫn tiếp tục chiến đấu.
Để đối phó với bao nhiêu khó khăn của phong trào, Mai Lượng một mặt cho binh lính tăng cường canh gác từ xa, mặt khác chia thành các toán nhỏ, sử dụng lối đánh du kích để phục kích tiêu hao lực lượng địch. Đồng thời, Mai Lượng cho người ra Hà Tỉnh tìm cách bắt liên lạc với nghĩa quân Phan Đình Phùng để phối hợp kháng chiến.
Nhưng tiếc thay, giữa lúc nghĩa quân đang dồn sức chống lại các cuộc càn quét của địch thì Mai Lượng lâm bệnh sốt rét ác tính. Ngày 24-3 năm Canh Dần (12-5-1890), ông đã qua đời tại căn cứ Cao Mại vì căn bệnh quái ác nói trên. Nghĩa quân đã mai táng thi thể ông ở căn cứ Cao Mại.
Ba năm sau, gia đình và nhân dân địa phương bí mật chuyển hài cốt của ông về mai táng tại quê nhà. Mộ của Lãnh binh Mai Lượng tại xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn được Nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử văn hoá theo Quyết định số 95/QĐ-DT ngày 24-1-1998. Sau khi Lãnh binh Mai Lượng qua đời, nghĩa quân hoạt động thêm một thời gian nữa và tan rã. Phong trào Cần Vương chống Pháp ở Quảng Bình chấm dứt vào giữa năm 1890.
Từ khi ra làm quan đến lúc qua đời, Lãnh binh Mai Lượng một lòng đấu tranh chống thực dân xâm lược. Khi vua Hàm Nghi ra Quảng Bình xuống chiếu Cần Vương, Mai Lượng là một trong những sĩ phu đầu tiên hưởng ứng phong trào và chiến đấu quên mình. Khi phong trào gần như thất bại, ông vẫn không thoái chí, luôn động viên nghĩa quân chiến đấu vì độc lập dân tộc.
Sau khi Lãnh binh Mai Lượng mất, nhân dân Cao Mại đã lập đền thờ tri ân ông và Nghĩa binh đã anh dũng hy sinh xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, ký ức về người anh hùng nghĩa khí bất khuất vì nước, vì dân luôn còn mãi trong tâm thức người dân Cao Quảng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, xã Cao Quảng đã làm tờ trình đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm công nhận Đền thờ Mai Lượng là di tích lịch sử cấp tỉnh để có cơ sở bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương...
Văn Minh
Nguồn: Báo Quảng Bình
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mai-luong-danh-tuong-xuat-sac-trong-phong-trao-can-vuong-a10204.html