Liêu Xá là một làng cổ, được hình thành từ rất sớm. Tuy không rõ thời điểm cụ thể, song căn cứ vào di ngôn cũng như những tư liệu hiện còn, vào thời Lý - Trần, Liêu Xá đã là một làng quê đông đúc, trù phú. Minh chứng cụ thể nhất là, Đỗ Thế Diên đỗ đầu khoa thi năm Ất Tỵ (1185) và Trần Uyên đỗ Thám hoa năm Bính Thìn (1256). Từ đó về sau, dù có nhiều thay đổi về địa dư, khi là một làng (thôn) khi là một xã, song Liêu Xá vẫn có sự phát triển liên tục, và ngày nay, Liêu Xá là một trong 4 thôn của xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Về mặt phong thủy, làng Liêu Xá được bao bọc bởi dòng sông Lô Giang lịch sử, nên dáng hình trông giống quả bầu, trong đó, xóm Văn Xá nằm trên mảnh đất hình con rùa, hai bên cánh đồng trải ra đẹp như hai cánh phượng... Địa dư và thế đất đó vừa tạo sự linh địa, vừa tạo sự trường tồn cho mảnh đất này.
Đình làng Liêu Xá.
Không những thế, Liêu Xá thuộc vùng đất ngũ Liêu nổi danh, với đặc trưng: Liêu Xá và Liêu Xuyên có truyền thống hiếu học với nhiều người đỗ đạt thành danh; Liêu Hạ nổi tiếng với truyền thuyết Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Liêu Trung rộn ràng với lễ hội Tứ Pháp, cụ thể là lễ hội Pháp Vũ bồ tát… Tiền đề tự nhiên này hợp thành một không gian lịch sử - văn hóa “địa linh”, từ đó chung đúc lại sinh ra nhiều “nhân kiệt”, tạo sự thăng hoa cho làng Liêu Xá.
Liêu Xá là một làng quê văn hiến, với một hệ thống di sản văn hóa vật thể phong phú và đặc sắc. Chung cho cả làng có đình - miếu Văn, chùa Văn (còn có tên gọi là chùa Bà Sinh, chùa Từ Vân), chùa Vũ Xá, cầu Văn… Đặc biệt, trong khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và dòng họ Lê Hữu có nhiều đơn nguyên kiến trúc như Nhà thờ Ðại tôn họ Lê Hữu, Tiến sĩ môn, Nhà tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Nhà thờ Hoàng giáp Lê Hữu Danh, Miếu thờ Lê Hữu Hỷ, Am thờ Tổ cô Lê Thị Lục, Từ vũ Quận công Lễ Hữu Kiều, Khu mộ tổ họ Lê Hữu, Mộ Hoàng giáp Lê Hữu Danh, Mộ cụ Lê Hữu Kiển, Mộ cụ Hoàng Bà... Ngoài ra, trong làng còn có một số từ đường - nhà thờ các dòng họ Trần Ðình, họ Ðỗ, họ Nguyễn Khắc.
Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Bên cạnh đó, làng Liêu Xá còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị khác như 12 bia đá (với 5 bia đá được tạo dựng từ thế kỷ XVIII, 7 bia đá dựng từ thế kỷ XIX trở về sau), 8 hoành phi, 9 câu đối (cũ) và hàng trăm hiện vật có giá trị khác. Những di tích, di vật đó là nguồn gốc, là nền tảng cho sự đa dạng về di sản văn hóa phi vật thể. Tập trung và biểu hiện rõ nét nhất là hoạt động tế lễ của dòng họ Lê Hữu. Là dòng họ lớn với nhiều người đỗ đạt thành danh lại có nhiều đóng góp với mảnh đất Liêu Xá, cho nên hoạt động tế lễ của dòng họ Lê Hữu cũng là ngày hội chung của làng Liêu Xá.
Đặc biệt, lễ hội tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là tổng hòa của các sinh -hoạt văn hóa làng Liêu Xá. Ngày nay, lễ hội này đã, đang và sẽ vươn tới tầm lễ hội vùng và quốc gia khi ngày 15 tháng Giêng (ngày mất của Đại danh y Lê Hữu Trác) trở thành ngày truyền thống của những người làm công tác y, dược học cổ truyền Việt Nam.
Liêu Xá là một làng khoa bảng nổi danh của tỉnh Hưng Yên với 10 người đỗ đại khoa. Trong đó, "dòng họ khoa bảng" Lê Hữu có 6 người (Lê Hữu Danh, Lê Hửu Hỷ, Lê Hữu Mưu, Lê Hữu Kiều, Lê Hữu Kiển/Lê Trọng Tín và Lê Hữu Thư/Lê Hữu Dung) thuộc 3 thế hệ liên tiếp đỗ đạt thành danh:
Lịch triều phong tặng công, hầu, bá
Kế thế đăng khoa phụ, tử, tôn.
Không những thế, dòng họ Lê Hữu còn có 36 người đỗ trung khoa, 12 người đỗ tiểu khoa và hơn 10 người không rõ đỗ đạt nhưng có chức sắc trong triều ngoài quận; đặc biệt là Đại danh y, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Với truyền thống đó, dòng họ Lê Hữu xứng đáng là một danh gia vọng tộc của tỉnh Hưng Yên nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.
Lễ hội đình Liêu Xá.
Họ Trần ở Văn Xá và Vũ Xá là dòng họ có số lượng người đỗ đạt đứng thứ 2 trong làng Liêu Xá, với 2 người đỗ đại khoa (Trần Uyên và Trần Thu), 31 người đỗ trung khoa, 39 người đỗ tiểu khoa, 19 người có chức tước và nhiều người là con cháu quan viên. Tiếp đó là họ Nguyễn 1 người đỗ đại khoa (Nguyễn Súc), 8 người đỗ trung khoa, 7 người đỗ tiểu khoa và có chức tước. Ngoài ra, làng Liêu Xá còn có họ Vương với 1 người đỗ Tiến sĩ (Vương Nham Khê), họ Vũ, họ Lê, họ Lưu, họ Phạm, họ Hoàng… cũng có người đỗ đạt.
Có nhiều nguyên nhân tác động, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, khiến Liêu Xá trở thành làng khoa bảng, đó là: Có vị trí địa lý thuận lợi (gần kinh thành Thăng Long), có nền tảng kinh tế vững chắc (nghề vẽ tranh, thuộc da…), có sự khuyến khích động viên của dòng họ, làng xã đối với người đi học…, nhưng trên hết và quan trọng hơn cả là sự quyết tâm “dùi mài kinh sử” của mỗi cá nhân, bởi rằng chính họ sau này đã đem hết tâm, tài và lực để xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước.
Truyền thống văn hiến và khoa bảng của Liêu Xá là những tài sản tinh thần có giá trị to lớn, cần được bảo vệ, trao truyền và phát huy trong cuộc sống xã hội hiện đại ngày nay.
Tố Oanh