“Viên ngọc quý” giữa lòng phố cổ

Giữa phố Hàng Buồm đông đúc nhộn nhịp, lâu nay vẫn có một địa chỉ văn hóa thu hút cả khách du lịch nước ngoài và những người yêu vốn văn hóa cổ truyền Việt Nam. Đó là đền Quan Đế, số 28 Hàng Buồm, nơi “đóng đô” của CLB ca trù Thăng Long.


Ngay bên ngoài đền, những bạn tình nguyện viên mặc trang phục truyền thống với nụ cười tươi rói thân thiện, cầm trên tay tờ rơi giới thiệu đến khách du lịch về ca trù – nét văn hóa truyền thống độc đáo, riêng biệt của người Việt Nam.

Bước qua cánh cửa gỗ, du khách như được bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Một không gian cổ kính với tiếng đàn đáy, tiếng trống, tiếng phách ngân nga, các ca nương trải lòng mình trong từng câu thơ, câu chuyện. Những vị khách sau khi thưởng thức xong buổi diễn ca trù, đều nán lại một lát, có người tham quan ngôi đền, có người chụp ảnh kỷ niệm cùng các ca nương, có người lại viết cảm nhận của mình vào cuốn lưu bút. “Một trải nghiệm tuyệt vời, cảm ơn đã chia sẻ cho chúng tôi nét văn hóa truyền thống của các bạn” – Lisa Bryan, một du khách đến từ Mỹ chia sẻ.

Câu lạc bộ (CLB) ca trù Thăng Long, được thành lập năm 2006, do nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc, Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Phạm Thị Huệ sáng lập. Trải qua nhiều khó khăn, CLB vẫn duy trì và phát triển. Cứ đều đặn vào tối thứ năm và thứ bảy hàng tuần, các ca nương lại tề tựu để giới thiệu đến du khách “món ăn tinh thần” độc đáo này. “Mỗi ca nương ở đây đều có một cuộc sống riêng, một công việc riêng, nhưng phần lớn họ là con cháu của nghệ nhân, hoặc học tập trong Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam” – một bạn tình nguyện viên chia sẻ.

Các ca nương của giáo phường đến với CLB với nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng điểm chung của họ là sự say mê, yêu thích và tâm huyết với làn điệu ca trù truyền thống. Em Bùi Thị Vân Thảo, ca nương nhí 12 tuổi chia sẻ về lý do thích ca trù: “ Em thích ca trù vì nó mang vẻ đẹp hướng cổ, bà nội em cũng là một nghệ nhân ca trù. Em thấy học ca trù rất vui. Học ca trù khó nên em càng muốn khám phá”.

Ca nương 21 tuổi Đàm Linh Hương giãi bày về nghiệp diễn của mình: “Mình đi diễn ca trù hơn 10 năm rồi, mới đầu chỉ học cho vui thôi cũng không hiểu biết gì nhiều, mình cảm thấy rất khó, nhưng dần dần ca trù trở thành niềm say mê của mình. Hiểu được ca trù đã rất khó, nghe cũng khó rồi, thưởng thức lại càng khó hơn. Cảm nhận, sở thích của mỗi người không thể ép buộc, nhưng mong các bạn trẻ hãy thử một lần lắng nghe ca trù, để lắng đọng, để cảm nhận”.

Theo ca nương Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm CLB, CLB còn mở lớp học ca trù cho những bạn trẻ yêu thích nét văn hóa này. Lớp học tuy không nhiều thành viên, nhưng ở đó, ca trù đã và đang được lặng lẽ vun đắp, bồi dưỡng và gìn giữ. Ông Đoàn Văn Hựu, một quan viên (người cầm chầu) 69 tuổi, ở CLB ca trù Thăng Long chia sẻ, mong muốn nhất của ông lúc này là sẽ có nhiều lớp học như thế được mở ra. Ông Hựu chia sẻ về lớp học hát ca trù của mình tại Hạ Long, nơi ông sinh ra và lớn lên, với mục đích “Hạ Long là điểm du lịch với khoảng 3,5 triệu lượt khách mỗi năm, tôi hy vọng, nhiều khách du lịch sẽ biết đến ca trù và ca trù cũng nhờ đó mà được lan truyền rộng rãi” …


Thúy Quỳnh

Nguồn: Báo Nhân Dân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vien-ngoc-quy-giua-long-pho-co-a10133.html