10/05/2017 11:21
10/05/2017 11:21
Nét xưa bên những ngôi nhà cổ
Xã hội ngày càng hiện đại, nhiều ngôi nhà mới mọc lên, song đâu đó ở làng quê Nam bộ vẫn còn tồn tại những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi đang ở lại với thời gian, như những chứng nhân của lịch sử.
Trong ngôi nhà cổ nhuốm màu rêu phong, bên ấm trà nóng, được nghe kể về việc gìn giữ nền nếp gia phong, chúng tôi như được đắm mình trong không gian văn hóa của người Việt xưa, một cảm giác thân quen đến lạ.
Nhà cổ
Về Cù Lao Long Khánh, một vùng quê của huyện Hồng Ngự, nơi còn lưu giữ nhiều ngôi nhà với kiến trúc cổ kính hàng trăm năm tuổi. Trong không gian yên bình, thoáng đãng của làng quê, dưới những tán cây xanh tỏa bóng, mái ngói đỏ ít nhiều phủ lớp rêu phong của ngôi nhà bà Nguyễn Thị Lội vẫn đứng bền bỉ với thời gian. Đây là một trong những gia đình hiếm hoi của tỉnh Đồng Tháp đang lưu giữ ngôi nhà xưa có kiến trúc 3 gian với hàng cột gồm 24 cây, mái lợp ngói đặc trưng của Nam bộ. Bà Nguyễn Thị Lội năm nay đã 80 tuổi, vẫn còn nhớ như in về lịch sử của ngôi nhà. Bà chia sẻ, ngày xưa khi ông bà quyết định dựng ngôi nhà này đã đi rước 2 - 3 thợ thầy về thẩm định chất lượng và nghỉ ngơi tại gia đình chừng đôi 3 ngày, ngày nào gia đình cũng làm cỗ thết đãi khách.
Hiện ngôi nhà của bà Lội vẫn giữ y nếp cũ của ngôi nhà cổ xưa. Gian chính được gia đình bố trí bàn thờ gia tiên với những nét điêu khắc kỳ công, bộ lư đồng sáng ánh đặt ngay giữa bàn thờ và trang trí thêm những tấm liễn với đôi câu đối... rất tôn nghiêm, trang trọng. Bên ngoài có mấy tấm phản dày được lau bóng để đón chào khách đến thăm. Mái nhà có lớp ngói vảy cá, trông chắp vá nhưng vẫn bền với thời gian. “Ngôi nhà này của ông bà tôi để lại nên chỗ nào hư thì sửa chữa, trùng tu chứ không có ý định thay đổi hay cất mới. Có người nói đùa, ngôi nhà này mua 2 tỷ bà bán không, tôi nói mua 100 tỷ cũng không bán. Ngôi nhà này không chỉ là mái ấm chở che cho các thế hệ trong gia đình khôn lớn, trưởng thành mà còn là nơi để giáo dục các con cháu hiểu được những nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt của ông cha. Do vậy dù đi đâu về đâu mỗi lần trở về ngôi nhà là chúng sẽ được trở về với nguồn cội”, bà Nguyễn Thị Lội tự hào cho biết.
Qua thời gian, sự vận động của xã hội và tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh đã làm mai một dần đi dáng dấp của những ngôi nhà cổ kính - chứng nhân cho cả một hành trình lịch sử và cũng là một mảng lớn bản sắc văn hóa của cha ông ta trong quá trình Nam tiến. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng quản lý di tích tỉnh Đồng Tháp, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 600 ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 100 - 230 tuổi, tập trung ở TP.Sa Đéc (trên 200 căn), các nhà còn lại ở huyện Châu Thành và xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự.
Được xây dựng từ năm 1911, đến nay, phủ thờ họ Hồ được người dân xứ Cù Lao Long Khánh hết lòng kính trọng, bởi trước đó hàng trăm năm, đây là 1 họ tộc có công lớn trong việc lập làng, định ấp. Trải qua những thăng trầm của cuộc đời, phủ thờ nay đã in dấu thời gian nhưng những kết cấu chạm trổ bên trong vẫn còn nguyên giá trị. Hiện người trông giữ hương khói ông bà của phủ thờ là ông Hồ Thanh Sơn (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự) - cháu kế tục đời thứ 9 của tộc họ. Những nét bày trí của phủ thờ, câu liễn, đèn chông, mấu tiếp giáp trên mái ngói, đặc biệt là bàn thờ gia tiên vẫn được con cháu đời sau gìn giữ cẩn thận để giữ nguyên giá trị của ông bà đã dày công tạo dựng. Ông Hồ Thanh Sơn cho biết: “Thế hệ của ông bà tôi cùng giữ gìn ngôi nhà này và đến thế hệ tôi cũng thường nói với con cháu phải giữ gìn truyền thống. Tôi tâm niệm cái mới có thể làm được nhưng cái cũ thì không thể nên phải coi trọng cái cũ như coi trọng truyền thống, bất đắc dĩ phải trùng tu thôi chứ đừng làm xê dịch”.
Với mong muốn giữ gìn và phát huy các giá trị đặc sắc của những ngôi nhà cổ, góp phần phát triển du lịch cộng đồng, UBND huyện Hồng Ngự xây dựng Đề án phát triển du lịch ở các Cù Lao Long Khánh, trong đó nhà cổ được xem là điểm đến lý tưởng trong các điểm đến của địa phương như: bãi tắm cồn, làng nghề dệt choàng trên 100 năm tuổi, đình Long Khánh - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Hiện UBND xã Long Khánh A đã phối hợp với một số chủ nhà cổ để tuyên truyền về ý nghĩa của Đề án phát triển du lịch sinh thái miệt vườn để các gia đình cùng chung tay giữ gìn nét đẹp truyền thống ngôi nhà, thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đồng thời vui vẻ, cởi mở khi du khách đến thăm, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng.
Có thể nói, việc các hộ dân gìn giữ ngôi nhà cổ cũng như truyền thống của gia đình trong suốt thời gian qua đã góp phần lưu dấu thời gian, làm giàu đẹp thêm cho vốn văn hóa của mảnh đất xứ Cù Lao nói riêng và nét đặc trưng của người dân Nam bộ xưa nói chung.
Minh Thi
Nguồn: Báo Đồng Tháp
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/net-xua-ben-nhung-ngoi-nha-co-a10068.html