Bảo tàng Đồng Đình - Khu vườn ký ức

Nằm trên đường Hoàng Sa của bán đảo Sơn Trà, thành phố Ðà Nẵng, Bảo tàng Ðồng Ðình – nơi lưu giữ ký ức như mở ra một không gian tĩnh lặng, yên bình …



Một góc trưng bày hiện vật

Ấn tượng đầu tiên của khách du lịch khi đặt chân đến địa điểm này đó là cái tên của bảo tàng: “Khu vườn của ký ức” như khơi gợi về một không gian kiến trúc vừa có chiều sâu văn hóa, vừa phảng phất hơi thở của thiên nhiên khoáng đạt. NSƯT Đoàn Huy Giao tâm sự: Bảo tàng này ban đầu chỉ có bộ sưu tầm mỹ thuật, gốm cổ và dân tộc học. Sau này phát triển thêm nhà ký ức làng chài.

Đặc biệt,  ngôi nhà ký ức làng chài này được làm từ 2 xác con thuyền gỗ, 3 con thuyền nan và 5 cái thúng chai đã hết đời đi biển của làng chài Nam Thọ. Trong ngôi nhà chứa những vật dùng quen thuộc hằng ngày của người dân làng chài đã tạo nên linh hồn cho căn nhà này. Bên cạnh đó, Bảo tàng Đồng Đình lấy hai khu nhà rường truyền thống làm trung tâm, ở đây trưng bày nhiều cổ vật lịch sử.

Ngôi nhà thứ nhất là nhà của ông Lê Tuất, ông tổ nghề gốm Quảng Nam - Đà Nẵng thời kỳ cận đại. Nhà thứ hai, được chủ nhân  mua ở Thăng Bình, Quảng Nam. Hai ngôi nhà này trưng bày các sưu tập gốm cổ theo các chuyên đề như: Bộ sưu tập văn hóa Sa Huỳnh;  Bộ sưu tập gốm Chămpa thời cổ đại; Bộ sưu tập gốm Đại Việt và bộ sưu tập gốm sứ mậu dịch. Đó chính là thành quả trong suốt quá trình 50 năm sưu tầm của NSƯT Đoàn Huy Giao đã được Hội đồng di sản văn hóa quốc gia giám định .

Điều thú vị nữa là ngôi nhà trưng bày các tác phẩm mỹ thuật có lối kiến trúc hiện đại vận dụng không gian sinh thái rừng được xây dựng trên một ngọn đồi thoai thoải. Ba phòng trong ngôi nhà có nền cao thấp khác nhau tuỳ theo địa thế của khu đất, và đặc biệt là cho những tảng đá lớn thâm nhập vào bên trong nội thất như một sự tham dự của chính thiên nhiên và ngôi nhà. Đây là công trình dùng để trưng bày các tác phẩm mỹ thuật, chủ yếu là sưu tập tranh của hai hoạ sĩ Đinh Ý Nhi và Đặng Việt Triều. Ngôi nhà dân tộc học tuy không gian không phải là rộng lớn nhưng nó chứa đựng đầy đủ các vật dùng của người dân tộc trong đời sống sinh hoạt và tâm linh.

Khi nói đến chủ đề của bảo tàng, NSƯT Đoàn Huy Giao bộc bạch: Con người ta sống phải có ký ức, nó như một cái căn cước của một gia đình, của một dân tộc. Có nhìn kỹ được quá khứ mới biết tương lai, mới biết mình là ai và đã làm được những gì...


Phước Quang

Nguồn: baodulich.net.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-tang-dong-dinh-khu-vuon-ky-uc-a10065.html