Mường Lát giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Trong cuộc sống thường ngày, nhất là mỗi dịp lễ hội, ngày vui của bản làng, những trò chơi dân gian, tiếng khèn của người Mông, giọng Khặp của người Thái, những bộ trang phục truyền thống... như làm sống dậy những nét đẹp văn hóa, thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc thiểu số huyện Mường Lát trong dòng chảy văn hóa xứ Thanh.

Mường Lát là huyện biên giới có tới 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Mường và dân tộc Kinh. Mỗi dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện có phong tục, tập quán, sắc thái văn hóa riêng tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu.

Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống ở Mường Lát đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại; đội ngũ cán bộ quản lý làm công tác văn hóa vừa thiếu vừa yếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực là người dân tộc thiểu số và các nghệ nhân ngày càng giảm dần. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách bài bản khoa học. Các loại hình văn hóa truyền thống như: kiến trúc, trang phục dân tộc, các món ăn truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... đang đứng trước nguy cơ biến mất theo xu hướng hiện đại hóa hoặc do tác động mặt trái của cơ chế thị trường.




Bắn nỏ - môn thể thao truyền thống cũng thu hút cả nam và nữ tham gia trong các dịp lễ hội.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg, ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua huyện Mường Lát đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Theo đó, huyện đã tập trung đầu tư, hỗ trợ công tác sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống; hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng các làng nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, nghề làm rượu cần; phục dựng các lễ hội truyền thống như: Lễ hội xuống đồng, cầu mùa, Hội diễn nghệ thuật và trình diễn trang phục các dân tộc. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì tổ chức như: Hát Khặp, nhảy sạp, khua luống, ném còn, đánh cù, bắn nỏ...đã tạo sân chơi và khuyến khích tinh thần, khả năng sáng tạo cho các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, đầu tư sách, báo, phủ sóng phát thanh, truyền hình bằng tiếng, chữ dân tộc nhằm tuyên truyền sâu rộng đến đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa giáp biên giới. Công tác xây dựng làng bản văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, huyện Mường Lát đã khai trương được 59/90 làng, cơ quan văn hóa. Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát triển; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới trong cưới hỏi, tang ma nhất là thực hiện hiệu quả đề án tang ma vùng đồng bào Mông...




Đẩy gậy - trò chơi dân gian được tổ chức trong các hội thi thể dục thể thao ở Mường Lát.

Các chính sách, đề án về bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được huyện Mường Lát triển khai hiệu quả, góp phần xây dựng hình ảnh đất và người Mường Lát đoàn kết trong lao động sản xuất, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện.

Linh Nga

Nguồn: vanhoadoisong.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/muong-lat-giu-gin-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-a10063.html