Ký sự Phú Quốc: Đi tìm 'nàng tiên cá' bí ẩn trong truyền thuyết

“Nàng tiên cá” hát về đêm dưới lòng đại dương, những bãi nhum chỉ còn là truyền thuyết hay những con tàu đắm, chứa đầy cổ vật nhưng vẫn còn là bí ẩn... ở Phú Quốc.

Đặt chân lên đảo Phú Quốc (Kiên Giang), dọc hai bên đường, thi thoảng PV lại thấy bảng thông tin: “Để truyền thuyết còn mãi, xin đừng bắt, giết nàng”. Tìm hiểu ra mới hay, các “nàng” đang đối diện với sự tuyệt chủng do sự săn bắt của con người.
 
Bí ẩn loài vật cực quý hiếm
 
Tìm đến nhiều người để hỏi về thông tin “nàng tiên cá” nhưng quả thực, sau lệnh cấm săn bắt (Kiên Giang ban bố vào năm 2002), thông tin về “nàng” cũng ít ỏi. Trước khi đi vào những tình tiết nói trên, PV xin giới thiệu đôi chút. “Nàng” thực chất là loài dugong hay được ngư dân quen gọi là bò biển, cái cúi – một loài trong truyền thuyết được gọi là nàng tiên cá.
 
Sở dĩ có tên gọi này là bởi chúng có hình dạng và tập tính khá độc đáo. Tương truyền, khi các thuỷ thủ phương Tây thấy loài này dưới nước tưởng là người nên mới gọi là người cá hay nhân ngư. Đặc biệt, chi trước có hình mái chèo vừa để thuận lợi khi bơi nhưng cũng là hai tay để “bồng” con, cho bú như người. Theo các nhà khoa học, hiện nay, tại Việt Nam, bò biển chỉ còn khoảng trên dưới 100 cá thể, chỉ có ở hai vùng biển Phú Quốc, khoảng dưới 100 con và Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 10 con.
 
Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, vì môi trường ô nhiễm nên nhóm bò biển ở Côn Đảo bị đe dọa và giảm sút rất lớn. Khi phát hiện loài này ở Côn Đảo có khoảng 30 cá thể. Tuy nhiên, đến nay rất khó có thể biết chính xác ở đó hiện còn bao nhiêu vì nó di trú, sự đánh bắt của con người...

 


Tại Phú Quốc, loài này cũng bị săn bắt nhiều trong thời gian dài.
 
Tại Phú Quốc, loài này cũng bị săn bắt nhiều trong thời gian dài. Bởi nó được đồn thổi rất nhiều về thịt ngon, công dụng tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là trong chốn phòng the. Lại thêm nanh (giống ngà voi hay còn gọi là ngà) của chúng cũng có giá trị kinh tế lớn nên hay bị săn bắt.
 
Ở Phú Quốc từng phát hiện một đường dây săn bắt, buôn bán thịt loài động vật này. Một cán bộ Ban quản lý bảo tồn biển Phú Quốc cho biết: “Trước đây, một số ngư dân dùng lưới quàng, mắt lưới to để đánh bắt cá đuối và đánh gần vùng thảm cỏ biển nên thường xuyên dính bò biển. Thậm chí, một số người biết được tập tính của loài này là ăn cỏ biển nên chỉ đánh bắt ở các khu vực có thảm cỏ mục đích săn bắt bò biển. Hiện, nhiều ngư dân đã ý thức bảo vệ loài này nên ít thấy các vụ đánh bắt nhưng thi thoảng bò biển vẫn dính lưỡi câu, giã cào... của ngư dân”, cán bộ này cho biết thêm.
 



Dọc hai bên đường, thi thoảng PV lại thấy bảng thông tin: “Để truyền thuyết còn mãi, xin đừng bắt, giết nàng”.
 
Bò biển là loài dễ săn bắt, do tập tính ăn cỏ biển và có thân hình to lớn, bơi lội chậm chạp. Trung bình một con bò biển trưởng thành có cân nặng từ 250 đến 300kg, thậm chí có con lên đến 1,6 tạ, chiều dài trung bình từ 2,4m đến 3,5m. Con đực có thân dài hơn con cái. Theo thông tin PV ghi nhận được, nơi được cho là có nhiều thông tin về “nàng” đó là bãi Thơm, cách thị trấn Dương Đông khoảng 30km về hướng Đông Bắc đảo Phú Quốc. Ngay lập tức, PV thuê xe gắn máy từ thị trấn Dương Đông chạy trên cung đường độc đạo của hòn đảo “ngọc” tiến thẳng đến bãi Thơm.
 
Con đường này rộng thênh thang, hai bên còn nhiều cây cối, có cả cây cổ thụ nằm trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia Phú Quốc. Tuy nhiên, đường đi hết sức vắng vẻ, ít người qua lại, thi thoảng có khách du lịch phượt. Bởi ở bãi Thơm du lịch chưa phát triển, mọi thứ còn hoang sơ, chủ yếu là các hộ dân đang sinh sống tại đây làm nghề đánh bắt hải sản.
 
Đi tìm “nàng tiên cá”
 
Đến bãi Thơm, PV phải dò la rất lâu mới tìm đến nhà anh Phong, người còn trẻ nhưng biết khá nhiều về nơi này. Từ khi du lịch tìm đến đảo ngọc, anh bỏ công việc của một dân kỹ thuật trong một khu du lịch ở Dương Đông để làm riêng.
 
Tuy nhiên, Phong cũng chỉ mới “bập bẹ” làm du lịch, khi nào có khách tới thì phục vụ theo yêu cầu. Ngồi chia sẻ với PV, Phong nói: “Trước đây, bò biển sống ở khu vực này cho tới Hàm Ninh (xã Hàm Ninh, nơi có làng chài Hàm Ninh khá nổi tiếng) rất nhiều, một số người dù không cố ý nhưng cũng bắt được nó. Do khi giăng lưới đánh bắt hải sản thì bò biển mắc vào lưới. Khi chúng sa lưới, ngư dân tiến hành xẻ thịt và cung cấp cho đầu mối thu mua đưa vào các nhà hàng, quán nhậu tiêu thụ”.
 
Phong nói thêm: “Loài này bán có giá lắm, bình thường phải 400 – 500.000 đồng/kg. Hiện nay, nếu như có thịt loài này bán giá phải cả triệu là bình thường. Còn nanh của nó rất nhiều người hỏi nhưng không ai có bán cả. Giá một cặp nanh khoảng trên dưới 100 triệu đồng”. Tuy nhiên, khi hỏi Phong có nơi nào bán hay không thì anh lắc đầu: “Giờ người ta cấm, với lại ngư dân ở đây cũng biết được sự quý hiếm của loài này nên không săn bắt nữa”.
 



Bãi Thơm cách thị trấn Dương Đông khoảng 30km về hướng Đông Bắc đảo Phú Quốc.
 
Qua nhiều đầu mối thông tin, PV còn biết được có một ngư dân xưa từng là “sát thủ” bò biển ở xã bãi Thơm. Tuy nhiên, PV đi tìm song không biết được ông K. hiện đang ở đâu. Có người cho biết, ông này đã chuyển đi nơi khác sinh sống, có người lại nói, ông ở ẩn, không muốn gặp ai?
 
Biết tôi là phóng viên đi tìm hiểu thông tin viết bài, nhiều người dân địa phương sống lâu năm ở bãi Thơm cũng tìm đến chia sẻ thông tin. Họ cho biết, khu vực bãi Thơm nói riêng và nhiều nơi khác trên đảo Phú Quốc có cỏ biển mọc rất nhiều. Đây là thức ăn chính của loài bò biển. Để làm tin, họ còn chỉ cho PV nơi cỏ mọc và yêu cầu PV trải nghiệm.
 
Được anh Phong cho mượn kính lặn biển, PV tìm ra bãi cách bờ khoảng gần 1km lặn tìm cỏ biển và các rạn san hô. Dù cách bờ khá xa nhưng nước biển ở khu vực bãi Thơm rất nông, gần bờ chỉ lấp xấp nước. Đồng thời, cát ở đây không trắng, tinh khiết ở như bãi Sao, bãi Khem... và nhiều vùng biển khác của Việt Nam. Cát ở đây có màu đục, pha với đất, đá, ít người tắm, dù vậy, nước lại rất trong.
 
Khi ra đến khu vực có cỏ biển và san hô, PV không cần lặn xuống cũng có thể nhìn thấy cỏ mọc thành thảm chạy dài tít tắp dưới làn nước trong xanh. Thi thoảng có những rạn san hô. Đeo kính vào, PV lặn xuống và quan sát thì một thế giới đẹp như tranh vẽ hiện ra. Đó là những thảm cỏ biển xanh, đung đưa theo sóng nước, thi thoảng là những rạn san hô với các loài động vật bơi lội tung tăng, đặc biệt những “bãi nhum” cực kỳ đẹp mắt.
 
Trước khi ra lặn, Phong đã chỉ cho PV khu vực có rạn san hô, còn cỏ biển thì hầu như nơi nào cũng có tại khu vực bãi Thơm. Chỉ tiếc là gần 2 giờ lặn biển, PV không có các trang thiết bị chuyên dụng để quay, chụp dưới nước, ghi lại những khoảnh khắc kỳ diệu này. Và càng tiếc hơn khi không nhìn thấy được “nàng tiên cá” nào dạo chơi tại vùng biển này.
 
Rời bãi Thơm mà PV cảm thấy tiếc nuối nhiều thứ. Ông Nguyễn Văn Hòa, một ngư dân ở đây cho PV biết: “Hồi trước, các khu vực như bãi Thơm, mũi Dương, bãi Dài hay khu vực Hàm Ninh thi thoảng đi đánh bắt vẫn còn nhìn thấy bò biển. Tuy nhiên, lâu lắm rồi chưa gặp con nào”.
 
Trưng bày xương bò biển tại bảo tàng
 

Hiện nay, tại Bảo tàng Cội Nguồn (nằm trên đảo Phú Quốc) cũng có trưng bày một số bộ xương bò biển. Thậm chí, tại đây có một số bộ xương rất lớn, dài tới 3, 4m. Tất cả số này đều được tìm thấy ở đảo Phú Quốc.

 
Thanh Tùng

Nguồn: nguoiduatin.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ky-su-phu-quoc-di-tim-39nang-tien-ca39-bi-an-trong-truyen-thuyet-a10016.html