04/05/2017 17:18
04/05/2017 17:18
“Di sản hóa” rầm rộ: Hiệu quả và hệ lụy
Bảo vệ di sản, bên cạnh vai trò của cộng đồng thì việc xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp là hết sức cần thiết. Việc vinh danh hay xếp hạng di tích, xét trên nhiều phương diện, có thể xem là một giải pháp quan trọng, nhằm tránh cho di tích khỏi mọi sự xâm hại. Tuy nhiên, việc “di sản hóa” kéo theo đó là không ít hệ lụy đang đặt ra yêu cầu nhìn nhận, đánh giá lại việc xếp hạng di tích hiện nay.
Di tích quốc gia Lê Thì Hiến (Triệu Sơn) rất cần được đầu tư, trùng tu tôn tạo.
Khẳng định giá trị
Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đến tháng 7-2016, Thanh Hóa đã có 804/1.535 di tích được xếp hạng các cấp, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 141 di tích quốc gia và 659 di tích cấp tỉnh. Vậy là, số di tích được xếp hạng hiện chiếm hơn 50% tổng số di tích toàn tỉnh. Con số này quả nói lên nhiều điều. Trước hết, đó là một minh chứng về mật độ phân bố dày đặc các di tích trên địa bàn. Song, quan trọng hơn, điều đó phản ánh mức độ quan tâm đầu tư phát triển của chính quyền địa phương đối với vốn di sản văn hóa. Đồng thời, còn là sự khẳng định cho mức độ đa dạng, phong phú và giá trị to lớn của hệ thống di tích đang tồn tại. Các di tích được xếp hạng nghĩa là đã được tạo dựng một “hàng rào” pháp lý, để bảo vệ và tránh sự xâm hại của con người, cũng như sự hủy hoại của môi trường tự nhiên.
Lần lại lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam đã rất chú trọng đến việc bảo vệ di sản văn hóa. Việc sắc phong là cách triều đình đánh giá, ghi nhận công lao của các nhân vật được thờ phụng. Từ đó, cho xây dựng hoặc hỗ trợ xây dựng đình, đền, miếu mạo, chùa chiền và yêu cầu chính quyền, người dân trong vùng có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ di sản. Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa, cho rằng: Di tích “sống” trong cộng đồng làng xã nên dẫu không được xếp hạng thì họ vẫn tự quản và thờ cúng. Thế nhưng, trong giai đoạn hiện nay, bấy nhiêu là chưa đủ, bởi việc xếp hạng đồng nghĩa với việc đưa di tích vào danh mục được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo theo các quy định pháp lý chặt chẽ, nghiêm ngặt, chứ không đơn thuần là lối tự quản làng xã trước kia. Đồng thời, việc xếp hạng là cách để bảo vệ nguồn tư liệu về di tích và tạo tiền đề cho việc xây dựng hồ sơ khoa học, phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống, cũng như tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch. Ngoài ra, các di tích sau khi được công nhận sẽ là cơ sở để kêu gọi, thu hút các nguồn lực từ xã hội phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo.
Không thể phủ nhận vai trò của việc xếp hạng di tích trong việc tạo dựng nên diện mạo cho hệ thống di tích của Thanh Hóa hiện nay. Nhờ đó mà các di sản văn hóa, dù đã vùi sâu trong lòng đất suốt nhiều thế kỷ như Thành Nhà Hồ, hay bị tàn phá nặng nề như Lam Kinh, đã được hồi sinh. Và, quan trọng hơn, những bức thành đá trơ trọi hay thớ gỗ chạm trổ linh vật ấy đã tái hiện lại một mảnh ghép lịch sử, gắn liền với triều đại phong kiến quân chủ Việt Nam. Đó là những giá trị vô giá và bất biến mà hậu thế đang được thừa hưởng. Đồng thời, niềm vinh dự, tự hào ấy đang gắn chúng ta với trách nhiệm nặng nề trong việc ứng xử với tài sản cha ông để lại.
Nhanh, nhiều chắc chắn là tốt?
Chú trọng công tác xếp hạng di tích đang là xu thế chung của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước chứ không riêng gì Thanh Hóa. Thế nhưng, do quá đề cao và chạy theo số lượng mà việc xếp hạng đang nảy sinh không ít vấn đề bất cập. Vài năm trở lại đây, khi câu chuyện văn hóa ngày càng trở nên nóng trong xã hội, gắn với việc xâm hại di tích hay tầm thường hóa lễ hội, thì giới nghiên cứu văn hóa cũng đã không ít lần lên tiếng cảnh báo về việc chúng ta đang đối mặt với xu hướng “di sản hóa”. Đó là tình trạng chỉ mong có danh hiệu mà không lưu tâm đến việc gìn giữ và phát huy, thậm chí nhiều nơi đang làm biến dạng di sản, khiến di sản ấy trở nên xa lạ với chính cộng đồng sống xung quanh nó. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy có thể nhìn thấy.
Cách đây chưa lâu, tại cuộc làm việc với huyện Quảng Xương liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã chỉ ra một thực trạng: Thanh Hóa là địa phương có tốc độ xếp hạng di tích thuộc nhóm nhanh nhất cả nước. Trung bình mỗi năm, tỉnh ta có trên 20 di tích được xếp hạng các cấp. Song, thực tế triển khai cho thấy công tác xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích đang xuất hiện những lỗ hổng, mà vụ thu hồi quyết định công nhận đối với di tích Lê Nhân Tế (Quảng Xương) là một ví dụ điển hình. Do vậy, quan điểm của ngành hiện nay là siết chặt vấn đề xếp hạng di tích. Di tích nào không bảo đảm tính khoa học, không đủ cơ sở pháp lý sẽ không được xét duyệt. Cũng theo ông Thanh, nhiều hay ít di tích được xếp hạng không thành vấn đề, quan trọng là chất lượng. Nếu di tích có giá trị lịch sử văn hóa thì cần được xếp hạng để bảo vệ. Nhưng di tích không có giá trị, thậm chí là cố tình đánh tráo giá trị, hoặc xếp hạng để xin tiền chống xuống cấp... là phải kiên quyết xử lý. Sai phạm hay lệch lạc trong hành vi, cách ứng xử với tài sản văn hóa là chúng ta có lỗi với tiền nhân, có lỗi với lịch sử!
Bởi danh hiệu như một hình thức phản ánh giá trị di tích, điều đó đã khiến cho “tuyệt đại bộ phận người dân cho rằng, cứ di tích được xếp hạng mới là giá trị” (ông Phạm Văn Tuấn cho hay). Đây rõ ràng là một sự lệch lạc trong nhận thức. Nếu chỉ di tích được xếp hạng mới có giá trị, thì di tích không được công nhận là không có giá trị và không cần quan tâm? Trong thực tế, càng những di tích lớn, được đầu tư nhiều, quảng bá mạnh càng dễ thu hút khách thập phương; và ngược lại. Tất nhiên, vẫn có những di tích chưa được đầu tư nhiều, song những bí ẩn tâm linh của nó đã biến các di tích này thành điểm đến của hàng vạn du khách mỗi năm. Di tích Am Tiên, Sòng Sơn, Chín Giếng, Phủ Na, Cửa Đạt... là những ví dụ dễ thấy. Trong khi, bản thân văn hóa, như nhiều người thừa nhận, không có sự phân biệt sang trọng hay thấp hèn, giá trị cao hay giá trị thấp. Nhưng sự nhận thức lệch lạc có thể dẫn đến việc nơi có ít di sản văn hóa được công nhận sẽ có mặc cảm rằng các công trình kiến trúc, lịch sử của họ đã bị tước đoạt đi giá trị lịch sử và văn hóa của nó.
Quá say sưa với danh hiệu, xem danh hiệu như một cách để “khoe” hẳn là không phải không có? Rồi nhận thức, di tích xếp hạng cao càng được đầu tư lớn, vậy nên xuất hiện tâm lý trông chờ, ỷ lại ngân sách thay vì tự thân vận động? Lại có một thực tế nữa là, các di tích đã được xếp hạng, địa phương không thể tự ý đặt một viên gạch, nếu không qua một quy trình dài, đủ loại phép tắc, giấy tờ, thủ tục trên xuống, dưới lên. Thế nhưng, cũng có nơi, hoặc không biết hoặc cố tình lờ quy định, vẫn tự ý trùng tu dẫn đến làm biến dạng di tích hoặc xây thêm các công trình không phù hợp, tự ý đưa đồ thờ, linh vật ngoại lai vào di tích... Từ thực tế đó, việc nâng cao chất lượng xếp hạng di tích được đại diện lãnh đạo ngành văn hóa nhiều lần nhấn mạnh, bên cạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trùng tu, tôn tạo di tích đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh vai trò của chính quyền các địa phương trong công tác này. Với hơn 800 di tích được xếp hạng, ngành văn hóa không thể với tay đến mọi di tích. Trong khi địa phương nơi di tích đứng chân rõ hơn ai hết sự thay đổi hàng ngày của di tích. Bởi vậy, sự thờ ơ hay làm cho có lệ của họ trong công tác quản lý, kiểm tra cũng chính là sự “tiếp tay” khiến các di tích biến dạng...
Tuyên ngôn thế giới của UNESCO về đa dạng văn hóa, nhấn mạnh “Di sản, trong mọi hình thức của nó, phải được bảo tồn, phát huy và truyền lại cho những thế hệ tương lai như là bằng chứng của những kinh nghiệm và khát vọng của loài người, để nuôi dưỡng sáng tạo trong sự đa dạng của nó và để tạo nên một sự đối thoại thật sự giữa các nền văn hóa”. Đây là điều đã được thừa nhận, vấn đề còn lại là việc vinh danh gắn với bảo tồn và phát huy giá trị sao cho phù hợp mà thôi.
Hoàng Xuân
Nguồn: Báo Thanh Hóa
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-san-hoa-ram-ro-hieu-qua-va-he-luy-a10009.html